Hệ thống pháp luật tôn giáo là một trong những hệ thống pháp luật mang nhiều yếu tố tôn giáo. Hãy cùng Công ty Luật TNHH UNILAW tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé:
-
HỆ THỐNG PHÁP LUẬT CÁC NƯỚC HỒI GIÁO
1.1. Sự ảnh hưởng của giáo lý Hồi giáo với pháp luật
Pháp luật đạo Hồi, khác với truyền thống pháp luật của các hệ thống pháp luật khác, nó chỉ là một trong những khía cạnh của đạo Hồi (Islam). Tôn giáo này hợp từ 2 phần chính: 1. Thần học thiết lập nên những giáo điều và xác định những điều linh thiêng mà tín đồ phải tuân theo, 2. Những điều giới luật cho phép làm và cấm không được làm. Pháp luật đạo Hồi liên quan đến phần thứ hai, tức là phần “Shary’a” có nghĩa là “con đường cần theo”. Nền tảng của pháp luật đạo Hồi một mặt chủ yếu dựa trên nền tảng cơ bản của tôn giáo (Côran và Sunna). Mặt khác, các nhà luật học trong vòng nhiều thế kỷ đã tạo ra một nền học thuật rộng lớn. Trên nguyên tắc, pháp luật này chỉ áp dụng đối với những người theo đạo Hồi, nguyên tắc tôn giáo làm cơ sở cho pháp luật Hồi giáo sẽ không có hiệu lực nếu một trong các bên không phải là người theo đạo Hồi.
Tư tưởng thống trị trong đạo Hồi là tư tưởng thần quyền, trong đó nhà nước có ý nghĩa là công cụ phục vụ cho tôn giáo. Chính vì thế, xuất phát từ những tư tưởng tôn giáo, các nhà luật gia và các nhà thần học đạo Hồi đã thảo ra hệ thống pháp luật rất chi tiết, và cho rằng, một ngày nào đó toàn nhân gian sẽ tuân theo tôn giáo đạo Hồi và như vậy một xã hội lý tưởng được thiết lập.
Trên thế giới có khoảng 30 nước Hồi giáo và tập trung chủ yếu ở châu Á, Trung Đông, Châu Phi. Nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng đặc biệt sâu sắc của Đạo Hồi, coi Đạo Hồi là quốc giáo như Iran và một số nước Arap khác. Tuy nhiên, hầu như không một quốc gia nào chịu sự điều chỉnh hoàn toàn của luật Hồi giáo. Bên cạnh luật Hồi giáo còn hệ thống pháp luật thực định của quốc gia. Không nên nhầm lẫn giữa luật Hồi giáo với luật thực định của quốc gia Hồi giáo, mặc dù luật pháp luật định của các nước này chịu ảnh hưởng lớn của luật Hồi giáo.
Pháp luật thực định của các nước Hồi giáo thể hiện các đặc trưng sau đây:
- Pháp luật chịu ảnh hưởng nhiều của các nước phương Tây, đặc biệt là của Anh và Pháp, những quốc gia đã từng thuộc địa hoá các nước Hồi giáo;
- Pháp luật chịu ảnh hưởng của đạo Hồi, nhất là các quốc gia coi đạo Hồi là quốc giáo như Iran, Afghanistan. Nhiều giáo điều của đạo Hồi được thể chế hoá trong luật thực định;
- Pháp luật cho phép các công dân, nhất là công dân Hồi giáo, khi đứng trước tranh chấp, lựa chọn hoặc luật Hồi giáo hoặc luật thực định của quốc gia. Chín vì vậy, trong các nước Hồi giáo, bên cạnh toà án nhà nước còn có toà án của đạo Hồi (Toà Shari’a).
Theo tiêu chí sự ảnh hưởng của luật Hồi giáo đối với pháp luật, các nước Hồi giáo được chia ra thành các nhóm sau đây:
Nhóm thứ nhất: bao gồm các nước đã từ là các nước XHCN: Albania, các nước XHCN Trung Á (Kazakhstan, Turkmenistan, Ouzbekistan, Tadjikistan, Kirghizstan). Các nước này do có thời kỳ dài tiến hành xây dựng CNXH theo học thuyết Mac – Lênin nên đạo Hồi không được khuyến khích phát triễn. Tuy đạo Hồi vẫn tồn tại song ảnh hưởng của nó rất hạn chế.
Nhóm thứ hai: bao gồm Afghanistan, Pakistan, các quốc gia ở bán đảo Arap (Arập Xê- út, Cộng hoà Arap Yemen, Oman và Maxcate, Liên bang các Tiểu Vương Quốc Arap, Bahrein, Koweit, Qatar). Pháp luật các nước này thừa nhận tính tối cao của luật Hồi giáo. Tuy nhiên, Koweit đã thông qua một Bộ luật thương mại năm 1961 chịu ảnh hưởng Bộ luật dân sự Ai-Cập mà hình mẫu của nó là Bộ luật dân sự Pháp. Tương tự như vậy đối với trường hợp của Arap Xê- Út.
Nhóm thứ ba: bao gồm những quốc gia trong đó luật Hồi giáo chỉ được dùng để điều chỉnh một số lĩnh vực của đời sống xã hội (vấn đề nhân thân, hoạt động của các tổ chức tôn giáo, đôi khi cả chế độ ruộng đất), trong khi đó pháp luật “hiện đại” điều chỉnh những khía cạnh mới của các quan hệ xã hội.
Trong số các nước Hồi giáo, Thổ Nhĩ Kỳ là một trường hợp đặc biệt. Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một nước Arap, và có mối liên hệ chặt chẽ về kinh tế và chính trị với Tây Âu. Cách mạng Kemalist năm 1926 đã tạo thuận lợi cho Thỗ Nhĩ Kỳ tiếp nhận Bộ luật dân sự Thuỵ Sĩ. Luật về nhân thân, gia đình, thừa kế của nước này theo hình mẫu phương Tây. Pháp luật không chấp nhận chế độ đa thê, quyền đơn phương bỏ rơi vợ của người chồng, hoặc việc phân chia tài sản thừa kế không công bằng giữa con trai và con gái.
1.2. Cấu trúc pháp luật
Về mặt cấu trúc, pháp luật đạo Hồi được hợp thành từ hai phần: Phần Shary’a (luật thượng đế) và phần những quyết định của tòa shary’a chứa những quy phạm luật vật chất của đạo Hồi.
Luật Hồi giáo bao gồm hai bộ phận. Bộ phận thứ nhất là học thuyết tôn giáo với các giáo điều mà một tín đồ phải tin. Bộ phận thứ hai là luật thần thánh quy định những gì mà một tín đồ phải làm và không được làm. Luật Hồi giáo giới hạn những nghĩa vụ và quy định cụ thể nội dung các quyền cá nhân. Việc quy phạm các quyền và nghĩa vụ sẽ bị thẩm phán áp dụng các biện pháp trừng phạt. Về nguyên tắc, luật Hồi giáo chỉ được áp dụng để điều chỉnh mối quan hệ giữa những người Hồi giáo. Mối quan hệ của những người không phải Hồi giáo, sống ở quốc gia Hồi giáo, sẽ được điều chỉnh bằng các quy phạm khác. Ngoài việc làm rõ các nguyên tắc về đạo đức và giáo lý, các luật gia và các nhà thần học Hồi giáo đã soạn ra một pháp luật hoàn chỉnh, chi tiết trên tinh thần tôn giáo. Do luật Hồi giáo có mối liên hệ chặt chẽ với tôn giáo và văn minh Hồi giáo, nên chỉ có những người có kiến thức tối thiểu về đạo Hồi và văn minh Hồi giáo mới có thể hiểu luật Hồi giáo.
Đạo Hồi được hình thành từ thế kỷ VII, khi nhà Tiên tri Mohamet bắt đầu rao giảng các thông điệp từ Thượng Đế Allâh. Mohamet và các đồ đệ của mình rời khỏi kinh thành Mecca năm 622 sau Công nguyên. Ngày mà Mohamet rời khỏi Mecca là ngày bắt đầu Lịch Hồi giáo. Trong lúc châu Âu chìm đắm trong “đêm trường Trung Cổ” thì văn hoá Hồi giáo lại phát triển mạnh mẽ. Đạo Hồi đã bành trướng ảnh hưởng của mình từ bán đảo Arap đến châu Phi, châu Á và Tây Ban Nha.
Các trường phái đạo Hồi khác nhau ở rất nhiều điểm chi tiết, nhưng giống nhau về nguyên tắc. Một người Hồi giáo có thể thay đổi trường phái. Thậm chí hiện nay các trường phái đạo Hồi đang có xu hướng xích lại gần nhau.
Quan niệm về pháp luật trong các xã hội Hồi giáo hoàn toàn khác với các xã hội phương Tây. Người Hồi giáo quan niệm pháp luật là sản phẩm của ý chí thần thánh. Nó không thể bị sửa đổi, và nó là con đường duy nhất cho các tín đồ noi theo.
1.2.1. Các nguồn của pháp luật
Pháp luật đạo Hồi có 4 nguồn: 1. Côran- sách thánh kinh của Đạo Hồi, 2. Sunna – hay những lời truyền liên quan đến nhà tiên tri, 3. Idjma – khế ước thống nhất của xã hội đạo Hồi, 4. Kias – suy diễn tương tự.
Kinh Coran
Nền tảng của pháp luật đạo Hồi cũng như toàn bộ nền văn minh Hồi giáo là Thánh kinh Coran gồm những lời dạy của Thánh Ala đối với người cuối cùng trong số những Nhà tiên tri và Sứ đồ của mình là Mahomed (570 – 632). Những quy định của Kinh Côran mang tính chất pháp lý được tìm thấy trong số lượng nhất định các khổ thơ của Côran (luật gia Hồi giáo gọi là những khổ thơ pháp luật). Kinh Coran là một thánh kinh 114 chương, với 6.237 đoạn thơ bao gồm toàn bộ ý tưởng của Thánh Allâh dành cho Mohamet – nhà tiên tri và sứ giả cuối cùng của mìn (570-632). Nói cách khác, kinh Coran chứa đựng các thánh lệnh của Thượng đế. Kinh Coran là nguồn đầu tiên của luật Hồi giáo. Song, chắc chắn là những quy định mang tính pháp lý sẽ không đủ để điều chỉnh các quan hệ xã hội giữa những người Hồi giáo. Nội dung pháp lý của kinh Corann được tìm thấy trong khá nhiều đoạn, điều chỉnh nhiều vấn đề như: nhân dân (70 đoạn), quyền dân sự (70 đoạn), hình sự (30 đoạn), thủ tục tư pháp (13 đoạn), “hiến pháp” (10 đoạn), kinh tế và tài chính (10 đoạn), “luật quốc tế” (25 đoạn).
Sau đây là ví dụ về nguồn luật được thể hiện trong kinh Coran: “khi vay nợ nhau trong thời hạn xác định, cần viết ra thành văn tự. Phải nên có văn tự cụ thể giữa hai bên… hãy để người vay nợ xác nhận rõ… đừng ngần ngại viết ra dù nợ lớn hay nợ nhỏ, và thời gian cũng ghi rõ trên đó. Việc ấy sẽ hữu hiệu hơn như Thánh Allah nhận thấy, để được chắc chắn hơn về sau, và là cách tốt nhất để các bên khỏi nghi ngại nhau…” (Coran, 2:282). “Thượng Đế đã cho rằng việc buôn bán là hợp luật, còn cho vay lấy lãi là không hợp luật” (Coran, 2:282).
Sunna: Sunna kể về đời sống và hoạt động của Nhà tiên tri mà những người theo Hồi giáo cần phải theo. Sunna – tuyển tập những Adat – tức là những truyền thống liên quan đến những hành động và lời nói của Nhà tiên tri Mahomed do nhiều người sau này tái tạo lại. Các Adat được chia ra thành Adat chân chính, tốt và yếu. Chỉ những Adat chân chính mới có thể làm cơ sở để thảo ra những quy phạm pháp luật. Là nguồn thứ hai sau kinh Côran, Sunna có tác dụng tái tạo lại các quy phạm tập quán tồn tại trước khi Hồi giáo xuất hiện.
Idjtihad (những quyền tập thể) được xuất hiện khi các luật gia Hồi giáo tìm kiếm những phương thức giải quyết các tình huống mới mà không mâu thuẫn với Kinh Côran và Sunna. Những quyền tập thể được áp dụng trong những điều kiện cụ thể nhất định để thông qua những quyết định pháp lý sẽ dẫn đến Idjma.và vì thế họ đã tạo ra những quyết định pháp lý (Idjma). Idjma là nguồn thứ ba của pháp luật Hồi giáo, theo ý kiến chung, idjma được sử dụng để đi sâu và phát triển việc giải thích chính thức những nguồn của Thượng đế.
Kias – Những suy xét theo sự việc tương tự. Nguồn này hình thành từ việc giải thích luật, đó là sự “kết hợp giữa Thánh kinh và lý trí của con người”. Kias được xem như là phương thức giải thích và áp dụng pháp luật.
1.2.2. Những đặc điểm nổi bật của luật Hồi giáo[1]
Thứ nhất: khó có thể phân biệt giữa các quy định của pháp luật và các quy định tôn giáo, vì người Hồi giáo cho rằng pháp luật và tôn giáo chỉ là một. Luật Hồi giáo can thiệp cả vào những vấn đề mà các hệ thống pháp luật khác xét thấy không cần điều chỉnh bằng pháp luật. Chẳng hạn: luật Hồi giáo quy định giờ đánh răng.
Thứ hai: Luật Hồi giáo có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh lĩnh vực pháp luật truyền thống như hôn nhân – gia đình, thừa kế, hình sự. Còn trong các lĩnh vực pháp luật khác như hợp đồng, sở hữu, thì sự ảnh hưởng của luật Hồi giáo có phần yếu hơn.
Thứ ba: quan niệm về hành vi pháp luật của luật Hồi giáo không giống như các hệ thống pháp luật khác. Hầu hết các hệ thống pháp luật trên thế giới đều quan niệm rằng hành vi pháp luật bao gồm những hành vi phải làm và những hành vi không được làm. Nhưng luật Hồi giáo lại quy định thêm hai loại hành vi nữa: hành vi nên làm và hành vi bị khiển trách. Ví dụ: Kinh Coran phê phán những ai giao kết hợp đồng thương mại vào sáng ngày thứ sáu trước buổi cầu kinh buổi trưa. Mặc dù vậy, hợp đồng được ký kết vào sáng thứ sáu không bị mất hiệu lực và người giao kết hợp đồng cũng không phải chịu bất cứ một chế tài nào.
Thứ tư: những người trung thành với đạo Hồi cho rằng luật Hồi giáo là bất diệt, không bao giờ thay đổi, đây là loại hình pháp luật cuối cùng, hoàn thiện nhất, và trong tương lai toàn thể nhân loại phải thừa nhận và tuân thủ nó. Bởi vì nguồn luật cơ bản của nó bắt nguồn từ Thượng Đế (kinh Coran) và người sáng lập Mohamet (Sounna). Theo quan điểm này, các văn bản pháp luật do Nhà nước ban hành không thể làm thay đổi luật Hồi giáo mà chỉ có thể điều chỉnh những chi tiết mà luật Hồi giáo chưa cụ thể hoá hoặc còn bỏ trống.
Thứ năm: các quy định của đạo Hồi được xây dựng ở mức rất khái quát, do đó tạo thuận lợi cho việc giải thích và áp dụng nó một cách mềm dẻo. Chẳng hạn: Đạo Hồi quy định nghĩa vụ từ thiện. Việc giải thích quy định này có thể theo nhiều cách. Thực hiện nghĩa vụ từ thiện có thể là cho tiền người ăn xin trên đường phố, có thể là thiết lập một hệ thống bảo hiểm xã hội theo mô hình phương Tây.
Thứ sáu: Về nghề luật ở các nước Hồi giáo. Các bên tranh chấp không thường xuyên thuê luật sư đại diện, và đào tạo luật ở các nước này chủ yếu dành cho các học giả, hơn là cho những người hành nghề. Ở Arap Xê – út, những người muốn làm thẩm phán hoặc luật sư phải theo học một khoá thần học, chứ không được đào tạo luật theo cách truyền thống. Theo luật ở các nước Hồi giáo, luật sư chuyên nghiệp được đào tạo chính quy không phải là người bào chữa duy nhất. Trên thực tế, người Hồi giáo thường tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho họ.
-
PHÁP LUẬT ẤN ĐỘ – PHÁP LUẬT HINDU GIÁO
2.1. Cấu trúc pháp luật Hindu giáo
Pháp luật Hindu là một trong những hệ thống pháp luật truyền thống được công nhận và coi trọng. Pháp luật Hindu không phải là pháp luật Ấn Độ, nó chỉ là pháp luật của cộng đồng theo đạo Hindu ở Ấn Độ và một số nước thuộc Đông Nam Á. Cũng như pháp luật Hồi giáo, đạo Hindu bắt buộc môn đồ của mình phải có niềm tin vào những giáo điều và cách nhìn nhận thế giới nhất định.
Pháp luật đạo Hindu được hợp thành:
Sastra: Những quy phạm nói về cách ứng xử của con người. Có 3 dạng Sastra vì thế giới và xử sự của con người được xác định bởi 3 động lực: đức hạnh, sự ham muốn và nỗi khoái cảm. Sastra dạy cách xử sự phù hợp với ý trời – đó là khoa học Dhama, những Sastra khác dạy làm giàu và chỉ huy người khác (artha – khoa học về lợi ích và chính trị), (kama – dạy hưởng khoái lạc như thế nào).
Dharma: Dharma dựa trên niềm tin về một trật tự thế giới xuất phát từ bản chất của sự việc. Dharma nói về cách xử sự của con người mà không phân biệt những nghĩa vụ, bổn phận tôn giáo và pháp lý. Ví dụ Dharma quy định khi phạm lỗi phải gánh chịu những chế tài gì, xác định trong những trường hợp nào cần phải bố thí, những quy tắc nào khi tiếp khách. Cốt lõi của Dharma là những bổn phận phải tuân theo.
Dharmasastra nibandhara: Dharma được trình bày trong những bản luận có tên gọi là Dharmasastra. Những bản nổi tiếng nhất được viết bằng thơ như Bộ luật Manu, Luật Yadinavalkia, luật Narad. Các bản Dharmasastra tạo nên tổng thể thống nhất mà không phụ thuộc vào thời gian ra đời của mỗi bản.
Những tuyển tập khác có liên quan chặt chẽ với Dharmasastra là nibanhaza có nội dung giải thích những điều khó hiểu của Dharmasastra, bình luận và sửa chữa những mâu thuẫn trong các Dharmasastra với nhau.
Các tầng lớp xã hội khác đều tuân theo những nibanhaza khác nhau. Theo đó trong trường phái pháp luật Hindu có hai trường phái chính: Mitakara và Daiabhaga. Mỗi trường phái được phổ biến ở những vùng địa lý khác nhau. Trường phái Daiabhaga chiếm ưu thế ở Bengali và Assama, trường phái Mitakasara ở Ấn độ và Pakistan.
Dharma và tập quán: Dharma liên quan chặt chẽ với tập quán. Các quy phạm của luật tập quán bắt nguồn từ những hoàn cảnh cụ thể về thời gian, địa điểm nên không liên quan đến ý trời – nền tảng của Dharma. Như vậy, luật thực định Hindu là luật tập quán, trong đó học thuyết đạo Hindu dù ít hay nhiều có vai trò nhất định; học thuyết đó quy định những quy phạm ứng xử, các tập quán thay đổi và được giải thích theo đó. Các tập quán có nhiều dạng. Mỗi đẳng cấp đều tuân theo những tập quán của mình và giải quyết những tranh chấp trong phạm vi địa phương dựa trên dư luận xã hội. Các cuộc họp của đẳng cấp giải quyết mọi vấn đề thông qua biểu quyết và những biện pháp cưỡng chế hiệu quả. Chế tài nghiêm khắc nhất là đuổi ra khỏi đẳng cấp – điều này là một nỗi sỷ nhục trong một xã hội mà không thể có người nào sống không trong một nhóm xã hội cụ thể.
Pháp luật thành văn và thực tiễn xét xử của tòa án lệ và pháp luật thành văn đều không được Dharma cho là những nguồn của pháp luật. Nhà cầm quyền có quyền lập pháp. Nhưng nghệ thuật quản lý và những chế định của luật công không thuộc lĩnh vực Dharma mà thuộc Artha. Những đạo luật và mệnh lệnh của nhà cầm quyền là những biện pháp nảy sinh từ nhu cầu thiết yếu tạm thời, chúng thích hợp với những hoàn cảnh cụ thể và thay đổi cùng những hoàn cảnh đó. Cũng như quá trình lập pháp, thực tiễn xét xử của tòa án thuộc Artha. Phán quyết của tòa án với bản chất thực nghiệm không thể xem như án lệ bắt buộc; uy tín của pháp quyết chỉ giới hạn trong một vụ án nhất định.
Pháp luật Hindu qua các giai đoạn phát triển của Hồi giáo, và sự thống trị của người Anh đã có những sự biến dạng đáng kể, điều này đã làm cho nó phai nhạt nhứng giá trị truyền thống. Sau khi tuyên bố độc lập năm 1947, phong trào vì sự cải cách, pháp luật Hindu đã có thể phát triển mà không gặp một sự cản trở nào khác. Toàn bộ tòa án do một cơ quan mới thành lập đứng đầu – Tòa án tối cao Ấn Độ. Tòa án này có quyền phê chuẩn hoặc những quyết định được đưa ra trong thời kỳ thống trị của người Anh. Bằng cách này công việc lặp lại trật tự và hệ thống hóa pháp luật Hindu đã được tiến hành.
Về mặt lập pháp, một ủy ban đặc biệt đã được lập ra để nghiên cứu vấn đề: những cuộc cải cách nào cần được tiến hành trong pháp luật Ấn Độ, trong đó có pháp luật Hindu.
Hiến pháp Ấn Độ đã hủy bỏ chế độ đẳng cấp trong pháp luật Hindu. Các vấn đề về hôn nhân và ly hôn đã được cải tổ cơ bản trong Luật hôn nhân năm 1955. Hôn nhân, theo quan điểm của đạo Hindu là một liên minh thiêng liêng, pháp luật Hindu kinh điển coi đó là một món quà tặng mà nhà gái trao cho nhà trai, người phụ nữ không được hỏi ý kiến về việc đồng ý hay không đồng ý với cuộc hôn nhân, hôn nhân không thể bị hủy bỏ, chế độ đa thê được công nhận. Những quy định này đã được thay thế và cấm đoán, pháp luật cho phép ly hôn, hôn nhân phải xác lập trên cơ sở của sự tự nguyện, pháp luật quy định tuổi tối thiểu để kết hôn. Tuy nhiên, luật mới này chỉ áp dụng cho cộng đồng Hindu.
- Pháp luật quốc gia Ấn Độ
Pháp luật Hindu chỉ áp dụng phổ biến trong cộng đồng người theo Hindu giáo. Xu hướng của Ấn Độ hiện nay là pháp luật quốc gia được áp dụng cho mọi công dân không phụ thuộc vào tôn giáo của họ. Ở góc độ này, pháp luật Ấn Độ bao gồm mọi đạo luật của Ấn Độ được áp dụng chung cho tất cả, thậm chí nếu có những điều khoản riêng biệt quy định rằng chúng không được áp dụng cho một số bộ phận công dân. Bên cạnh đó, các tập quán đang có hiệu lực cũng là một bộ phận hợp thành của pháp luật Ấn Độ hiện nay.
Pháp luật Ấn Độ hiện nay được sử dụng trực tiếp để điều chỉnh các lĩnh vực sau:
– Pháp luật về hôn nhân và gia đình – tính hợp pháp của trẻ em, chế độ đỡ đầu, việc nhận làm con nuôi, hôn nhân, gia đình từ ba hoặc hơn ba thế hệ trở lên và việc phân chia tài sản, việc thừa kế tài sản của người đã chết, bao gồm tài sản không được phân chia bởi những người thân thích, ruột thịt đang sống của người đã chết;
– Những vấn đề xã hội của gia đình – sự quyên góp tôn giáo và từ thiện;
– Những vấn đề mang tính chất xã hội thuần túy – quyền chiếm ưu thế đối với việc mua sắm, các lời thế nguyện, chuyển giao tài sản bằng di chúc hoặc bằng tài liệu khác;
– Pháp luật đẳng cấp và rút đẳng cấp.
Các tư tưởng của Ấn Độ cũng được duy trì cả ở quan điểm về chế độ chiếm hữu ruộng đất của Nhà nước.
[1] Xem trang 174 Luật so sánh – Micheal Bogdan – Kluwer/Norstedts juridik/Tano – 1994 (sách dịch năm 2002).
Liên hệ với chúng tôi: