Đặc trưng quyền và nghĩa vụ của Luật sư trong hoạt động TTHS

22:58 | |

1.    Khái niệm về Quyền bào chữa và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong TTHS

Có nhiều cách để định nghĩa về Quyền bào chữa theo đó về mặt từ ngữ “bào chữa là hoạt động dùng lý lẽ, chứng cứ để bênh vực một việc”[1]Dưới góc độ pháp lý thì PGS.TS Phạm Hồng Hải cho rằng “Quyền bào chữa trong tố tụng hình sự là tổng hòa các hành vi tố tụng do người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án thực hiện trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật nhằm phủ nhận một phần hay toàn bộ sự buộc tội của cơ quan tiến hành tố tụng, làm giảm nhẹ hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự của mình trong vụ án hình sự”[2].

Như vậy Quyền bào chữa bao gồm quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa của người bị buộc tội nhằm nhằm bác bỏ toàn bộ hoặc một phần sự buộc tội, yêu cầu các cơ quan tiến tiến hành tố tụng phải xem xét các tình tiết giảm nhẹ và có lợi khác cho người bị buộc tội.

2.    Giới hạn của Quyền bào chữa

Quyền bào chữa theo BLTTHS 2003 giới hạn Quyền bào chữa chỉ dành cho: người bị tạm giữ; bị can; bị cáo. Các đối tượng tham gia tố tụng khác không có Quyền bào chữa theo quy định của Luật này. Các chủ thể dễ bị tổn thương khác như người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang chưa được quy định. Giới hạn của Quyền bào chữa chỉ trong phạm vi bác bỏ một phần, toàn bộ lời buộc tội và yêu cầu giảm nhẹ hình phạt. Trong hoạt động TTHS việc giải quyết quyết các vấn đề dân sự trong vụ án Hình sự đã được chế định. 

Việc Luật sư tham gia bảo vệ các quyền dân sự trong vụ án hình sự không phải là hoạt động bào chữa. Tuy vậy, khi tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa Luật sư cũng đồng thời cũng là người bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp ở các tranh chấp dân sự phát sinh và được giải quyết chung trong vụ án hình sự.

Trong khi đó BLTTHS 2015 đã mở rộng cũng như ghi nhận về nhiều điểm tiến bộ đối với Quyền bào chữa như thời điểm được tham gia bào chữa sớm. Trong khoản thời gian ngay từ khi bị giữ, bị bắt; ngoài bị can, bị cáo thì Quyền bào chữa còn thuộc về người bị giữ, bị bắt.

3.    Quyền nhờ Luật sư bào chữa và quyền đăng ký người bào chữa

Khái niệm Người bào chữa được ghi nhận tại Điều 72 BLTTHS 2015 như sau:“1. Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa. 2. Người bào chữa có thể là: a) Luật sư; […]”. 

Để trở thành người bào chữa cho người bị buộc tội (người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo) trong một vụ án, Luật sư phải được Cơ quan tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa[3].

Hồ sơ đăng ký bào chữa của Luật sư bao gồm: Thẻ Luật sư kèm theo bản sao chứng thực và giấy yêu cầu Luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội; trường hợp chỉ định người bào chữa Luật sư xuất trình thẻ Luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử Luật sư của tổ chức hành nghề Luật sư nơi Luật sư đó hành nghề hoặc văn bản phân công của Đoàn Luật sư đối với Luật sư hành nghề là cá nhân[4].

4.    Luật sư tham gia tố tụng trong giai đoạn giải quyết tin báo tố giác tội phạm và có mặt khi bị can bị lấy lời khai và đối chất

Theo quy định BLTTHS 2003 Luật sư chỉ được phép tham gia khi có quyết định khởi tố bị can. Tuy nhiên trước giai đoạn khởi tố bị can Người bị tố giác, bị giữ trong trường hợp khẩn cấp hay phạm tội do quả tang đã có mặt tại cơ quan điều tra trong giai đoạn trước khi bị khởi tố quyền con người đã có thể bị xâm phạm. Do đó việc cho phép Luật sư tham tố tụng kể từ khi Người bị bắt, bị giữ có mặt tại cơ quan điều tra là đòi hỏi cấp bách.

Trước đòi hỏi của thực tiễn BLTTHS 2015 đã chấm dứt việc CQTHTT thường không cho Luật sư tham gia trong giai tiền khởi tố như trước đây. Giai đoạn giải quyết tin báo tố giác tội phạm là giai đoạn trước khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can và sự có mặt của Luật sư đã được quy định tại Điều 83 BLTTHS 2015, tại giai đoạn này Luật sư tham gia với tên gọi là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. 

Đối với quyền Luật sư được có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, được gặp bị can, bị cáo[5].

5.    Quyền tranh luận tại phiên toà của Luật sư trong TTHS

BLTTHS 2015 quy định quyền bình đẳng của Luật sư với những người tham gia tranh tụng tại phiên tòa một cách cụ thể. Theo đó Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước Tòa án[6].

Theo đó, vị thế của Luật sư khi tranh tụng tại phiên tòa được nâng cao, Luật sư có quyền bình đẳng với những NTHTT khác khi quyền được lắng nghe, xem xét ý kiến của Luật sư được luật hoá với quy định: “Hội đồng xét xử phải lắng nghe, ghi nhận đầy đủ ý kiến của kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tranh luận tại phiên tòa để đánh giá khách quan, toàn diện sự thật của vụ án. Trường hợp không chấp nhận ý kiến của những người tham gia phiên tòa thì hội đồng xét xử phải nêu rõ lý do và được ghi trong bản án”[7].

Cụ thể hơn thì bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng và những tình tiết quan trọng và có ý nghĩa để giải quyết vụ án phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa. Đồng thời dựa trên kết quả tranh tụng Toà án phải ban hành Bản án, quyết định của mình căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Với mô hình này, Hội đồng xét xử là trung tâm đánh giá chứng cứ, đối chất giữa những người tham gia tố tụng một cách công bằng, dân chủ và đó cũng là nguyên tắc Bảo đảm Quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự[8]. 

Có thể khẳng định rằng, vai trò của Luật sư được thể hiện rõ nét nhất thông qua việc tranh tụng tại phiên tòa. Điều này đảm bảo tính công khai, dân chủ, công bằng, không lệ thuộc vào ý chí chủ quan của người tiến hành tố tụng, không còn định kiến “án tại hồ sơ”. Việc xác định sự thật của vụ án được xác định: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”[9].

6.    Nghĩa vụ góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan nhưng không làm xấu đi tình trạng của bị can, bị cáo

Trong hoạt động tố tụng, Luật sư có chức năng gỡ tội cho bị can, bị cáo và luôn độc lập với chức năng buộc tội của CQTHTT, quy định này đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được khách quan công bằng, đúng pháp luật, tránh cách nhìn phiến diện một chiều luôn buộc tội của CQTHTT. 

Vai trò của Luật sư dựa trên nguyên tắc tôn trọng Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, Luật sư là người tham gia tố tụng, có vai trò thực hiện chức năng bào chữa cho bị can, bị cáo góp phần giúp cho vụ án được giải quyết một cách khách quan, toàn diện, không làm oan, sai cho người vô tội. Đồng thời dù phải tôn trọng sự thật khách quan nhưng Luật sư không được phép làm nghiêm trọng thêm tình trạng của bị can, bị cáo mà mình đang bảo vệ. Điều đó thể hiện qua luận cứ bảo vệ của Luật sư không được làm tăng nặng mức hình phạt hay từ bỏ các quyền lợi khác của bị can, bị cáo.

error: Content is protected !!
Chat Zalo