Khái niệm, đặc điểm doanh nghiệp công nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp hiểu theo nghĩa chung nhất là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh, đó là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi. DN là tế bào kinh tế của nền kinh tế quốc dân, trong đó DN công nghiệp là tế bào sản xuất vật chất chủ yếu cho nền kinh tế.
Doanh nghiệp công nghiệp tư nhân là loại hình DN công nghiệp dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Hiện nay, khái niệm này vẫn còn có một số ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất: Cho rằng doanh nghiệp công nghiệp tư nhân là loại hình DN công nghiệp dựa trên sở hữu toàn bộ hay đại bộ phận tư liệu sản xuất thuộc sở hữu tư nhân và lao động làm thuê. Người chủ chiếm đoạt giá trị thặng dư do công nhân tạo ra. Về hình thức tổ chức, DN công nghiệp tư nhân gồm có các Công ty cổ phần, công ty Trách nhiệm hữu hạn, Doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh do các cá nhân, hoặc chủ yếu là do các cá nhân góp vốn. Theo quan niệm này, Doanh nghiệp công nghiệp tư nhân không bao gồm các cơ sở kinh tế cá thể, các HTX, mà có sự đồng nhất Doanh nghiệp công nghiệp tư nhân với Doanh nghiệp tư bản tư nhân.
Loại ý kiến thứ hai: Cho rằng Doanh nghiệp công nghiệp tư nhân là loại hình DN công nghiệp dựa trên sở hữu toàn bộ hay đại bộ phận tư liệu sản xuất thuộc sở hữu tư nhân nói chung, không phân biệt phân phối thu nhập thế nào. Theo quan niệm này, DN công nghiệp tư nhân bao gồm cả các HTX công nghiệp. Như vậy, có sự đồng nhất DN công nghiệp tư nhân với DN công nghiệp tư nhân nói chung.
Loại ý kiến thứ ba: Cho rằng Doanh nghiệp công nghiệp tư nhân là loại hình DN công nghiệp không phải do Nhà nước góp vốn. Trường hợp này DN công nghiệp tư nhân bao gồm cả DN 100% vốn nước ngoài và các HTXTCN. Như vậy có sự đồng nhất DN công nghiệp tư nhân với các DN công nghiệp ngoài quốc doanh nói chung.
Khái quát từ các ý kiến trên, tác giả Luận văn cho rằng Doanh nghiệp tư nhân trong ngành công nghiệp (dưới đây gọi chung là DN công nghiệp tư nhân) là những DN hoạt động trong ngành công nghiệp dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và sử dụng lao động thuê mướn là chủ yếu. Các loại hình DN công nghiệp tư nhân cụ thể đó là các Công ty cổ phần, công ty Trách nhiệm hữu hạn, Doanh nghiệp tư nhân thuần túy – một chủ, Công ty hợp danh do các cá nhân góp vốn thành lập theo Luật Doanh nghiệp được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thông qua.
Đặc điểm của Doanh nghiệp công nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam
Nghiên cứu đặc điểm của DN công nghiệp tư nhân có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định nội dung và phương pháp và những giải pháp phù hợp để quản lý Nhà nước đối với DN công nghiệp tư nhân một cách có hiệu quả. Đặc điểm của DN công nghiệp tư nhân có những nét đặc thù khác với DN Nhà nước và khác với DN tư nhân các nước trên thế giới. Dưới đây là một số đặc điểm cụ thể:
– Một là: Đặc điểm lớn nhất của DN công nghiệp tư nhân nước ta là hoạt động kinh doanh của họ phải phụ thuộc vào kinh tế Nhà nước ở những mức độ khác nhau, có quan hệ mật thiết với kinh tế nhà nước, cùng trong một thể thống nhất của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đây là điểm khác cơ bản với DNCNTN trong nền kinh tế tư bản tự do cạnh tranh.
– Hai là: Công nghiệp tư nhân nước ta trải qua nhiều biến động thăng trầm của đất nước nên đến nay vẫn còn non trẻ. Phần lớn các DN công nghiệp tư nhân mới ra đời sau khi có Luật DNTN và Luật công ty (1990) và hiện nay là Luật doanh nghiệp (1999). Do đó chủ DN thường thiếu kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh và rất bỡ ngỡ trước thị trường, nhất là thị trường ngoài nước, điều đó khác với DN Nhà nước và càng rất khác với DN công nghiệp tư nhân ở nhiều nước mà ở đó sự phát triển của kinh tế tư nhân có truyền thống từ lâu đời, giới chủ DN có rất nhiều kinh nghiệm và kiến thức kinh doanh trong cơ chế thị trường.
Ba là: Phần lớn DN công nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, phân tán, hình thức hộ cá thể chiếm tỷ trọng lớn về số lượng cơ sở và thu hút lao động. Phần lớn chủ DN xuất thân từ kinh tế cá thể hoặc từ cán bộ, viên chức Nhà nước do quá trình sắp xếp lại DN Nhà nước và tổ chức lại bộ máy Nhà nước. Do đó chủ DN thường thiếu kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh, kém năng động, chưa quen với cách làm ăn lớn trong cơ chế thị trường.
Bốn là: Trình độ phát triển của DN công nghiệp tư nhân nước ta thấp cả về công nghệ, kỹ năng lao động và quản lý, chưa đủ trình độ vươn ra các địa bàn trong nước và quốc tế, kinh doanh trên từng địa bàn là chủ yếu. Trong khi đó công nghiệp tư nhân ở nước ngoài đã có những bước phát triển lớn, đầu tư chiều sâu, áp dụng công nghệ hiện đại và công nghệ cao, chuyển từ cơ khí hóa sang tự động hóa, điện tử hóa, tin học hóa cao độ, hàm lượng chất xám trong hàng hóa rất cao.
Năm là: Trình độ xã hội sản xuất và sở hữu chưa cao, thể hiện rõ nét nhất là loại hình một chủ vẫn chiếm ưu thế. Hình thức công ty, Công ty cổ phần còn chiếm tỷ trọng thấp, các hộ kinh tế cá thể làm ăn nhỏ lẻ là phổ biến. Sự liên kết, hợp tác giữa các DN công nghiệp tư nhân với nhau và với các khu vực kinh tế khác còn hạn chế.
Sáu là: Trình độ quốc tế hóa còn thấp, một mặt do khu vực tư nhân còn non trẻ, mặt khác do chính sách mở cửa nền kinh tế cho đến nay vẫn chưa được thực hiện triệt để, nhất là đối với khu vực tư nhân. Các cơ sở này gặp rất nhiều trở ngại trong hoạt động xuất nhập khẩu, liên doanh với nước ngoài, vay vốn nước ngoài và xuất cảnh đi nước ngoài để học tập kinh nghiệm nghiên cứu thị trường. Điều đó làm cho các DN tư nhân lúng túng, thiếu kinh nghiệm và chịu nhiều thua thiệt trong quan hệ với các bạn hàng nước ngoài. Trên thế giới, mức độ quốc tế hóa của kinh tế tư nhân ở nhiều nước rất cao theo xu hướng: đẩy mạnh thương mại quốc tế, tăng nhanh các luồng vốn đầu tư, hình thành các công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia. Các hình thức liên minh kinh tế quốc tế giữa các công ty phát triển mạnh như liên minh về nghiên cứu triển khai để chia sẻ công nghệ và nghiên cứu triển khai hỗn hợp.
Bẩy là: DN công nghiệp tư nhân phân bố không đều: Chủ yếu phân bố tập trung vào những vùng mà cơ sở hạ tầng thuận lợi, dân cư đông đúc trong một số ngành có suất sinh lãi cao. Trình độ phát triển DN công nghiệp tư nhân có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền