HẬU QUẢ PHÁP LÝ KHI HỢP ĐỒNG BỊ TUYÊN VÔ HIỆU

10:31 | |

Hiệu lực của hợp đồng khi vô hiệu

Khi vô hiệu hợp đồng không còn hiệu lực ràng buộc đối với các bên. Trong trường hợp mặt nhiên vô hiệu theo quy định của pháp luật thì hợp đồng vô tuyệt đối, như trường hợp thoả thuận vi phạm điều cấm. Đối với các hợp đồng vô hiệu do vi phạm về hình thức, hay nhầm lẫn thì việc vô hiệu mang tính tương đối bởi lẽ dù đã có sự vi phạm nhưng các bên biết mà vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng thì hợp đồng vẫn có hiệu lực.

Đối với các điều khoản giải quyết tranh chấp như điều khoản thoả thuận chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp dù hợp đồng vô hiệu thì điều khoản này vẫn có hiệu lực6, trừ trường hợp giao dịch vô hiệu do người không có thẩm quyền ký kết.

Hậu quả của việc khôi phục lại tình trạng ban đầu khi hợp đồng vô hiệu

Việc vô hiệu của hợp đồng làm phát sinh một số nghĩa vụ đối với các bên như Khoản 2 Điều 131 BLDS 2015 quy định về hậu quả khi hợp đồng vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu và hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Đồng thời trong trường hợp không thể hoàn trả bằng hiện vật không ảnh hưởng tới việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu và bên có nghĩa vụ phải hoàn trả bằng tiền7. Thực tiễn cho thấy khi quyền nhân thân là đối tượng của giao dịch bị tuyên vô hiệu thì việc hoàn trả là không thể và việc xác định bằng tiền cũng rất khó khăng, nhất là trong trường hợp giao dịch vô hiệu bị tuyên vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật hay trái đạo đức xã hội. Thì việc quy đổi giá trị của quyền nhân thân trái đạo đức và yêu cầu hoàn trả là không thể. Đồng thơì BLDS 2015 cũng đã để ngõ trường hợp này cho các đạo luật chuyên ngành điều chỉnh8

Nghĩa vụ hoàn trả hoa lợi, lợi tức khi hợp đồng vô hiệu

Khoản 3 Điều 131 BLDS 2015 quy định: “Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó”. Khái niệm hoa lợi, lợi tức được quy định tại Điều 109 BLDS 2015: “Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại. Lợi tức là khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản.”. Như vậy bên không có lỗi trong việc dẫn đến giao dịch vô hiệu không có nghĩa vụ phải trả lại hoa lợi, lợi tức.

Nghĩa vụ bồi thường của bên có lỗi dẩn đến hợp đồng vô hiệu

Hợp đồng vô hiệu gây ra hậu quả là phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, các bên hoàn trả những gì đã nhận của nhau. Tuy nhiên, việc hoàn trả những gì đã nhận đôi khi chưa đủ. Do đó vấn đề bồi thường thiệt hại do hợp đồng vô hiệu đã được đặt ra. Các bên tham gia vào giao dịch hoặc bên thứ ba có lỗi dẫn đến hợp đồng vô hiệu thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Như trong trường hợp hợp đồng được công chứng vô hiệu do lỗi của công chứng viên thì căn cứ Khoản 1 Điều 38 Luật Công chứng năm 2014 quy định tổ chức hành nghề công chứng phải “bồi thường thiệt hại do lỗi mà công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng gây ra cho người yêu cầu công chứng”.

Trong trường hợp Hợp đồng vô hiệu do lỗi của nhiều bên thì Tòa án phải xác định mức độ lỗi của từng bên trong việc làm cho hợp đồng vô hiệu để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nếu mức độ lỗi không tương đương nhau thì trách nhiệm bồi thường được xác định theo mức độ lỗi của mỗi bên.

Trong trường hợp hợp đồng chuyển nhượng Quyền sử dụng đất và nhà ở thì căn cứ điểm c tiểu mục 2.3 Mục 2 Phần II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP và điểm c tiểu mục 2.4 Mục 2 Phần I Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/04/2003 “thiệt hại trong hợp đồng vô hiệu nói chung bao gồm: khoản tiền mà các bên bỏ ra để khôi phục lại tình trạng ban đầu khi tài sản là đối tượng của hợp đồng bị vô hiệu bị hư hỏng; khoản tiền mà các bên bỏ ra để làm tăng giá trị của tài sản là đối tượng của hợp đồng bị vô hiệu; khoản tiền chênh lệch giá do các bên thỏa thuận với giá trị tài sản tại thời điểm xét xử sơ thẩm; các thiệt hại khác”.

Như vậy bồi thường thiệt hại được quy định trên cơ sở xác định lỗi do chủ thể nào gây ra và xác định được thiệt hại xảy ra trên thực tế khi hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu. Đối với các trường hợp khác như hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn, hợp đồng vô hiệu do đối tượng không thực hiện được hay hợp đồng vô hiệu do người giao kết hợp đồng không có quyền định đoạt tài sản mà bên đối tác cũng biết về điều đó thì xác định mức độ lỗi của các bên còn nhiều quan điểm khác nhau.

Bảo vệ bên thứ ba ngay tình khi hợp đồng vô hiệu

Trong trường hợp hợp đồng vô hiệu mà đối tượng của hợp đồng được chuyển nhượng cho người thứ ba ngay tình thì theo Khoản 2 Điều 133 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu…”.

Như vậy, nếu tài sản giao dịch đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch chuyển giao tài sản có hiệu lực, quyền lợi của người thứ ba ngay tình vẫn được bảo vệ ngay cả khi giao dịch dân sự ban đầu vô hiệu. Trường hợp này, nếu theo BLDS 2005 thì giao dịch với người thứ ba ngay tình vô hiệu. Sửa đổi trên nhằm làm ổn định các giao dịch dân sự và quy kết trách nhiệm bồi thường cho cơ quan nhà nước do đã không thực hiện hết trách nhiệm của mình.

Trường hợp giao dịch chuyển giao tài sản cho người thứ ba ngay tình được xác lập trước ngày BLDS 2015 có hiệu lực, chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà thỏa mãn đầy đủ các điều kiện nêu tại khoản 2 Điều 133 Bộ luật dân sự năm 2015, đồng thơì thoả mãng các điều kiện khác của BLDS 2015 thì giao dịch chuyển giao tài sản cho người thứ ba ngay tình không bị vô hiệu.

Trường hợp giao dịch chuyển giao tài sản cho người thứ ba ngay tình được xác lập và thực hiện xong trước ngày BLDS 2015 có hiệu lực mà có tranh chấp, dù nội dung và hình thức của giao dịch hoàn toàn phù hợp với Bộ luật dân sự năm 2015 thì việc giải quyết vẫn phải căn cứ vào quy định của BLDS 2005 nên giao dịch chuyển giao tài sản cho người thứ ba ngay tình sẽ bị xác định là vô hiệu.

Trong trường hợp tài sản giao dịch không thuộc đối tượng phải đăng ký, mà tài sản này không bị lấy cắp hoặc có được do hành vi vi phạm pháp luật thì khi được giao dịch với người thứ ba ngay tình không bị vô hiệu. Thực tiễn xét xử còn chỉ ra rằng trường hợp giao dịch thứ nhất không cấu thành một giao dịch như việc ngân hàng tự ý cho đấu giá tài sản thế chấp khi chưa có sự đồng ý của chủ tài sản thì dù người thứ ba có nhận được tài sản qua đấu giá tại thời điểm BLDS 2015 có hiệu lực thì vẫn bị vô hiệu.

Trường hợp người thứ ba đã nhận được tài sản dù đã được đăng ký bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng lại không ngay tình. Như trong trường hợp khi ngân hàng nhận thế chấp nhà và quyền sử dụng đất nhưng lại không tiến hành kiểm tra theo đúng trình tự thủ tục mà đã tiến hành cho thế chấp thì sẽ không được bảo vệ khi giao dịch gốc bị tuyên vô hiệu. Khi giao dịch với người thứ ba ngay tình có hiệu lực thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu người có lỗi phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.

Thời hiệu tuyên bố hợp đồng vô hiệu và hậu quả pháp lý

Thời hiệu yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu là hai năm theo Khoản 1 Điều 132 BLDS 2015. Căn cứ Điều 129 BLDS 2015 thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng là ba năm. Như vậy thời hiệu yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu là ba năm.

Vô hiệu được xác định dưới dạng vô hiệu tuyệt đối trong trường hợp vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội. Trong trường hợp này hợp đồng đương nhiên bị vô hiệu. Trường hợp còn lại hợp đồng vô hiệu do lưà dối, đe doạ hay do người chưa thành niên lập v.v đều thuộc trường hợp vô hiệu tương đối thì theo Khoản 2 Điều 132 BLDS 2015 sau khi hết thời hiệu khởi kiện thì hợp đồng có hiệu lực.

Đối với thời hiệu khởi kiện do giao dịch dân sự bao gồm hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương và do chế định hợp đồng quy định thời hiệu khởi kiện là ba năm nên phải áp dụng điều khoản chuyên biệt này. Tuy nhiên Khoản 2 Điều 132 BLDS 2015 “Hết thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều này mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực.”. Khoản 1 lại quy định thời hiệu là hai năm do đó còn sự mâu thuẫn trong quy định trên.

Xem thêm: HẬU QUẢ PHÁP LÝ CỦA HỢP ĐỒNG THUÊ VÔ HIỆU

Posts not found

error: Content is protected !!
Chat Zalo