KHÁI NIỆM CHUNG VỀ BẢO ĐẢM TIỀN VAY

12:33 | |

Trong một nền kinh tế có sản xuất và lưu thông hàng hoá, hoạt động tín dụng được coi là nguồn cung ứng, điều tiết vốn rất quan trọng. Ban đầu, hoạt động tín dụng được biểu hiện dưới hình thức quan hệ vay mượn tiền tệ trên cơ sở tín nhiệm có hoàn trả. Sau này, khi các tổ chức trung gian tài chính ra đời và ngày càng phát triển thì hoạt động tín dụng cũng ngày càng đa dạng và chuyên nghiệp, dưới nhiều hình thức cấp tín dụng như cho vay, bảo lãnh, cho thuê tài chính, chiết khấu, tái chiết khấu các giấy tờ có giá, mở thư tín dụng…

Cho vay là một nghiệp vụ cấp tín dụng mang tính chất truyền thống lâu đời và chủ yếu của các tổ chức tín dụng, được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng vay. về bản chất, quan hệ cho vay giữa tổ chức tín dụng và khách hàng là quan hệ hợp đồng. Để bảo đảm thực hiện hợp đồng tín dụng, bên cho vay thường yêu cầu bên vay phải thực hiện một hoặc một số biện pháp nhằm bảo đảm nghĩa vụ trả nợ vay

Bảo đảm tiền vay là một thuật ngữ mới, được sử dụng trong nghiệp vụ cho vay của tổ chức tín dụng và được quy định trong một số văn bản pháp luật về tín dụng ngân hàng. Theo quy định tại Điều 52 Luật các tổ chức tín dụng 1997 và khoản 1 Điều 2 Nghị định 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng thì bảo đảm tiền vay là việc tổ chức tín dụng áp dụng các biện pháp nhằm phòng ngừa rủi ro, tạo cơ sở kinh tế và pháp lý để thu hồi được các khoản nợ đã cho khách hàng vay.

Nói cách khác, bảo đảm tiền vay (hay còn gọi là bảo đảm tín dụng) là những biện pháp mà các tổ chức tín dụng áp dụng nhằm ngăn chặn và hạn chế tới mức thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra trong hoạt động cho vay của mình, cụ thể là đảm bảo cho việc thu hồi vốn và lãi suất cho vay.Xét dưới giác độ kinh tế, các biện pháp phòng ngừa rủi ro bằng bảo đảm tiền vay được xem xét, phân tích trên cơ sở hội tụ các yếu tố như uy tín, khả năng tài chính của khách hàng vay, sự tín nhiệm, tính khả thi của dự án, khả năng hoàn vốn của khách hàng

Xét dưới góc độ pháp lý, biện pháp bảo đảm tiền vay được cam kết, thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng giữa tổ chức tín dụng và khách hàng vay, bên bảo lãnh về việc áp dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ của khách hàng.Bảo đảm tiền vay bằng tài sản là một hình thức bảo đảm tiền vay được áp dụng tương đối phổ biến do việc đánh giá độ an toàn của khoản vay có tài sản bảo đảm dễ dàng hơn so với các biện pháp bảo đảm khác và các tổ chức tín dụng được quản lý tài sản bảo đảm hoặc các giấy tờ pháp lý liên quan đến việc chuyển dịch tài sản bảo đảm của bên có nghĩa vụ. Đặc biệt, trong trường hợp có phát sinh tranh chấp thì nguy cơ rủi ro đối với khoản vay có tài sản bảo đảm cũng hạn chế hơn so với các biện pháp bảo đảm khác.

Theo pháp luật hiện hành, các hình thức bảo đảm tiền vay bằng tài sản bao gồm: cầm cố, thế chấp bằng tài sản của khách hàng vay, tài sản hình thành từ vốn vay hoặc bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba. Việc bảo đảm tiền vay được lập thành văn bản trên cơ sở thỏa thuận của các bên tham gia giao dịch Như vậy, có thể khái quát về bảo đảm tiền vay như sau: Bảo đảm tiền vay là việc tổ chức tín dụng thỏa thuận trên cơ sở hợp đồng với bên bảođảm về việc áp dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ của khách hàng vay. Bảo đảm tiền vay bằng tài sản là một biện pháp bảo đảm tiền vay, theo đó nghĩa vụ trả nợ của khách hàng vay được cam kết bảo đảm thực hiện bằng tài sản cầm cố, thế chấp của khách hàng vay hoặc bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba. Trong trường hợp khách hàng vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ và bên bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì tài sản bảo đảm tiền vay sẽ được xử lý để thu hồi nợ cho tổ chức tín dụng.

Để lại một bình luận

error: Content is protected !!
Chat Zalo