I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Đối với hợp đồng vay tiền khi hết thời hiệu 3 năm, người cho vay có quyền yêu cầu người vay trả nợ gốc và lãi hay không ?
II. BÌNH LUẬN
Nhằm mục đích làm ổn định các quan hệ dân sự. Pháp luật đặt ra quy định về thời hiệu khởi kiện với mong muốn sau khoản thời gian trên người có quyền không được phép yêu cầu toà án buộc bên còn lại thực hiện nghĩa vụ.
Đối với hợp đồng vay tài sản thời hiệu khởi kiện được xác định là 3 năm kể từ thời điểm người có nghĩa vụ đến hạn thanh toán. Trong trường hợp hết thời hiệu 3 năm thì căn cứ theo Khoản 2 và 3 Mục 3 Công văn 02/TANDTC-PC chia ra 2 trường hợp: (1) Đối với tài sản cho vay thì không áp dụng thời hiệu do thuộc trường hợp “bảo vệ quyền sở hữu” quy định tại khoản 2 Điều 155 BLDS 2015; (2) Đối với tiền lãi và các tranh chấp khác liên quan đến hợp đồng vay thì vẫn áp dụng thời hiệu khởi kiện là 3 năm.
Hướng dẫn của Toà tối cao là chưa đủ sức thuyết phục bởi lẽ:
Cần xác định rõ trong hợp đồng vay người cho vay không còn là chủ sở hữu với tài sản cho vay theo Điều 464 BLDS 2015 “Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó”. Như vậy việc bên cho vay yêu cầu bên vay trả tài sản cùng loại theo Điều 466 BLDS 2015 là một dạng “trái quyền” chứ không phải là quyền sở hữu nên không thể áp dụng quy định “Bảo vệ quyền sở hữu” để không áp dụng thời hiệu khởi kiện.
Hướng dẫn trên đã nhầm lẫn về việc chuyển giao quyền sở hữu trong hợp đồng. Trong khi đối với hợp đồng cho mượn tài sản, hợp đồng cho thuê tài sản, bên cho mượn hay cho thuê vẫn là chủ sỡ hữu của tài sản trên. Người mượn, thuê có nghĩa vụ hoàn trả chính tài sản mà mình đã mượn đã thuê (vật đặt định) cho chủ sở hữu. Trong trường hợp này người cho mượn, thuê tài sản khi đòi lại tài sản sẽ không áp dụng quy định về thời hiệu, tuy nhiên đối với các yêu cầu khác như yêu cầu thanh toán tiền thuê thì vẫn áp dụng thời hiệu theo quy định.
Vì thế cần phải xác định rõ trong hợp đồng vay, người cho vay nắm giữ không phải là “quyền sở hữu” mà người này đang nắm trong tay “quyền yêu cầu” một dạng “trái quyền”. Quyền yêu cầu không phải là tài sản nên không thể áp dụng quy định bảo vệ quyền sở hữu khi có tranh chấp liên quan đến quyền yêu cầu.
III. ĐIỀU LUẬT DẪN CHIẾU
Điều 155 – BLDS 2015. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện
Thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây:
2. Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Điều 464 – BLDS 2015. Quyền sở hữu đối với tài sản vay
Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó
Điều 466 – BLDS 2015. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Khoản 2 Mục 3 Công văn 02/TANDTC-PC
[…] thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng đã hết. Tuy nhiên, theo quy định khoản 2 Điều 155 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong trường hợp “yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác“. Do đó, Ngân hàng có thể khởi kiện ông A yêu cầu đòi lại tài sản (nợ gốc) và Tòa án thụ lý, giải quyết vụ án mà không phụ thuộc vào việc các bên có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc hay không.
Khoản 3 Mục 3 Công văn 02/TANDTC-PC
[…] Do vậy, đối với các tranh chấp về quyền sở hữu, đòi lại tài sản thì Tòa án không áp dụng thời hiệu không phụ thuộc vào việc một bên hoặc các bên có hay không có yêu cầu áp dụng thời hiệu. Đối với các tranh chấp phát sinh từ giao dịch dân sự như hợp đồng thuê nhà, thuê tài sản, hợp đồng vay tài sản giữa các cá nhân, tập thể với nhau (không phải là hợp đồng tín dụng) thì thời hiệu khởi kiện áp dụng theo quy định tại Điều 429 của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Điều 184 của Bộ luật Tố tụng dân sự.[…]
Xem thêm:
BẢN ÁN 62/2019/DS-ST NGÀY 06/09/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN
Tác giả: