NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ CẠNH TRANH VÀ PHÁP LUẬT CHỐNG CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH (P1)

15:34 | |

Khái niệm cạnh tranh

Kinh tế thị trường được xem là một trong những phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử phát triển của văn minh nhân loại khi con người đã trải qua sự thống trị của kinh tế tự nhiên luôn làm cho xã hội vận động chậm chạp và sự thống trị của kinh tế chỉ huy là mất động lực kinh tế, triệt tiêu tính năng động sáng tạo của con người. Cho đến nay chúng ta không thể tìm ra được kiểu tổ chức kinh tế nào có hiệu quả hơn kinh tế thị trường vì nó luôn hàm chứa trong mình những thách thức đối với sự nhạy bén và sáng tạo của con người thông qua môi trường cạnh tranh.

Trong thời kỳ chưa có nền sản xuất hàng hóa, thị trường chưa hình thành và phát triển thì không thể có hiện tượng cạnh tranh giữa những người sản xuất với nhau. Từ khi có nền sản xuất hàng hóa vào thế kỷ XIV – XV, cạnh tranh xuất hiện trong cuộc cách mạng tư sản và công nghiệp.

Điều cần nhấn mạnh là cạnh tranh chỉ xuất hiện với đặc trưng là động lực phát triển nội tại của nền kinh tế trước áp lực liên tục của người tiêu dùng đối với giá cả buộc các chủ thể kinh doanh phải phản ứng tự phát, phù hợp với các mong muốn thay đổi của người tiêu dùng, cạnh tranh cũng chỉ xuất thân là động lực thúc đẩy lực lượng sản xuất xã hội phát triển nhằm nâng cao năng suất lao động, đẩy nhanh quá trình tích tụ và tập trung sản xuất trong điều kiện các yếu tố của sản xuất như tài nguyên, chất xám, sức lao động… đều là hàng hóa. Hơn nữa cạnh tranh cũng chỉ xuất hiện thực sự với đặc trưng là một cuộc đua tranh trong một ngành, một lĩnh vực kinh tế nào đó khi có sự tham gia của các chủ thể kinh doanh có lợi ích cơ bản là mâu thuẫn nhau. Những phân tích trên đây đã cho phép kết luận rằng, cạnh tranh chỉ xuất hiện trong điều kiện của kinh tế thị trường, nơi mà cung cầu là cốt vật chất, giá cả là diện mạo và cạnh tranh là linh hồn sống của thị trường. 

Bản chất kinh tế của cạnh tranh thể hiện mục đích vì lợi nhuận và chi phối thị trường. Bản chất xã hội của cạnh tranh bộc lộ đạo đức kinh doanh và uy tín kinh doanh của mỗi chủ thể cạnh tranh trong quan hệ đối với những chủ thể tạo ra tiềm lực cạnh tranh của doanh nghiệp, quan hệ với người tiêu dùng và các đối thủ cạnh tranh khác. Dưới tác động điều tiết vĩ mô của nhà nước đối với hoạt động cạnh tranh, cạnh tranh ở mỗi nước còn có bản chất chính trị khác nhau, tùy thuộc vào sự hoạch định và thực thi chính sách kinh tế và chính sách xã hội của mỗi nước.

Thông qua sự phân tích nguồn gốc, cơ sở của hiện tượng cạnh tranh đã chứng tỏ rằng: Cạnh tranh là một trong những hiện tượng xã hội rất phức tạp và đòi hỏi cần phải được làm sáng tỏ ở nhiều tầng tiếp cận khác nhau và chính điều này cũng lý giải tính không thống nhất trong các định nghĩa về cạnh tranh đặc biệt là về phạm vi của thuật ngữ này. Theo từ điển tiếng Việt cạnh tranh được hiểu là “sự cố gắng giành phần hơn, phần thắng về mình giữa những người, những tổ chức hoạt động nhằm lợi ích như nhau” . Với khái niệm này, cạnh tranh được xem xét ở góc độ chung nhất của đời sống xã hội.

Ủy ban cạnh tranh công nghiệp của Tổng thống Mỹ đưa ra quan niệm cạnh tranh với một quốc gia như sau: “Cạnh tranh đối với một quốc gia là mức độ mà ở đó, dưới các điều kiện thị trường tự do và công bằng có thể sản xuất các hàng hóa và dịch vụ đáp ứng được các đòi hỏi của các thị trường quốc tế, đồng thời duy trì và mở rộng thu nhập thực tế của nhân dân nước đó”. [34] Báo cáo về cạnh tranh toàn cầu định nghĩa cạnh tranh đối với một quốc gia là: “Khả năng của nước đó đạt được những thành quả nhanh và bền vững về mức sống, nghĩa là đạt được các tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao được xác định bằng thay đổi của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đầu người theo thời gian”. 

Rõ ràng cạnh tranh là một hiện tượng kinh tế – xã hội phức tạp có thể tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, dưới góc độ sản xuất, kinh doanh trong điều kiện của cơ chế thị trường, khái niệm cạnh tranh có thể được hiểu một cách chung nhất như sau: “Cạnh tranh được coi là hành vi của các chủ thể trong khi tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế thị trường với mục đích giành và thiết lập cho mình những ưu thế có lợi nhất để thu lợi nhuận cao nhất “

Qua các khái niệm trên có thể nhận thấy một điểm chung là cạnh tranh là sự chạy đua giữa hai hay nhiều đối thủ. Cạnh tranh trong kinh tế về bản chất được hiểu là sự chạy đua giữa các doanh nghiệp trên thị trường nhằm không ngừng tung ra thị trường những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất với giá cả thấp nhất nhằm lôi kéo khách hàng về phía mình. Với mục đích tối ưu hóa lợi nhuận của các doanh nghiệp, cạnh tranh đã thúc đẩy quá trình tích tụ và tập trung tư bản diễn ra không đều ở các ngành, các lĩnh vực kinh tế khác nhau. Đây là tiền đề vật chất cho sự hình thành các hình thái CTKLM và độc quyền. Cạnh tranh còn là môi trường đào thải các nhà kinh doanh không thích nghi được với các điều kiện của thị trường.

Để lại một bình luận

error: Content is protected !!
Chat Zalo