TÁC ĐỘNG KINH TẾ – XÃ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI ĐẾN ĐỊA BÀN TIẾP NHẬN ĐẦU TƯ

13:49 | |

Tác động tích cực

Doanh nghiệp FDI góp phần gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế, kích thích các công ty khác tham gia đầu tư vào nước chủ nhà, là một tác nhân để thu hút vốn ODA; tăng thêm tỷ lệ huy động vốn trong nước; là phương tiện để tiếp nhận công nghệ hiện đại; tạo thêm nhiều việc làm và học tập kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các nước… Cụ thể là:

– Thu hút vốn cho đầu tư phát triển: đối với những địa bàn thiếu vốn, tích lũy từ nội bộ nền kinh tế thấp (thường là ở các nước đang phát triển) thì việc thành lập các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, là biện pháp thu hút vốn đầu tư có hiệu quả. Lượng vốn này, đôi khi là “cú hích” từ bên ngoài khá hữu hiệu tạo nên một loạt sự thay đổi theo chiều hướng tích cực của nền kinh tế.

– Tạo điều kiện tiếp nhận công nghệ hiện đại: Hoạt động của FDI tác động rất lớn đối với quá trình phát triển khoa học, công nghệ. Bởi vì, các doanh nghiệp FDI khi được thành lập luôn gắn liền với công nghệ, máy móc thiết bị, kỹ năng quản lý đảm bảo năng lực sản xuất và năng suất lao động nhằm thu được lợi nhuận tối đa. Đối với những địa bàn kinh tế lạc hậu, chủ yếu dựa vào khu vực nông nghiệp thì việc chuyển giao công nghệ thông qua các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài là một giải pháp khá tiết kiệm và an toàn. Việc tiếp thu được các công nghệ tiên tiến của nước ngoài tạo điều kiện cho địa bàn nhận đầu tư mở những bước “đột phá” sâu vào những ngành nghề sản xuất kinh doanh quan trọng như điện tử, ô tô, công nghệ luyện kim, công nghệ hóa chất, khai thác dầu khí…

– Tạo điều kiện học tập kinh nghiệm quản lý tiên tiến của nước ngoài: không những trong doanh nghiệp liên doanh mà ngay cả trong doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, các nhân viên của địa bàn nhận đầu tư nước ngoài có dịp tiếp xúc với một phong cách quản lý tiên tiến của nước ngoài, qua đó từng bước học tập được các mô hình quản lý, kỹ năng kinh doanh và thích nghi với cạnh tranh, thích nghi với công nghệ… đặc biệt là kỹ năng điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài còn góp phần hình thành thế hệ doanh nhân mới trong nước có đầy đủ bản lĩnh và khả năng để thành lập và điều hành các doanh nghiệp đương đầu với cạnh tranh trên thị trường. Từ những bài học được tích lũy đó, địa bàn nhận đầu tư nước ngoài có thể áp dụng các mô hình quản lý tiên tiến dựa trên các công cụ hiện đại vào công ty điều hành các cơ sở sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế. Tuy nhiên, hiệu quả việc áp dụng các kinh nghiệm quản lý tiên tiến này phụ thuộc rất lớn vào bản lĩnh và trình độ của đội ngũ cán bộ của địa bàn tiếp nhận đầu tư nước ngoài. Việc áp dụng dập khuôn đôi khi gây ra hậu quả phản tác dụng không phải là nhỏ. Tiếp thu kinh nghiệm quản lý tiên tiến của nước ngoài chính là một khoản lợi ích vô hình mà địa bàn đầu tư nước ngoài có được, nhưng nó cũng yêu cầu chính địa bàn nhận đầu tư nước ngoài phải có những điều chỉnh phù hợp trong việc áp dụng.

– Khai thác được nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển thị trường và kích thích tăng trưởng kinh tế trên địa bàn nhận đầu tư: Đối với địa bàn có nhiều tài nguyên khoáng sản nhưng không đủ khả năng khai thác thì việc thành lập các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tạo điều kiện để khai thác lợi thế về tự nhiên. Sự phát triển của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tạo sức ép và điều kiện để hiện đại hóa kết cấu hạ tầng như hệ thống đường xá, kho tàng, sân bay, bến cảng, hệ thống thông tin liên lạc, cung cấp điện, nước… đồng thời tăng năng lực sản xuất và năng suất lao động cho các cơ sở sản xuất hiện có.

– Tạo thêm việc làm, góp phần bồi dưỡng đội ngũ lao động có kỹ năng và tay nghề cao cho địa bàn tiếp nhận đầu tư: Chính hoạt động của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và sự tăng trưởng kinh tế mà nó mang lại đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm, làm giảm thất nghiệp. Bài toán khó về việc làm được giải quyết một phần đáng kể nhờ vào doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài và những ảnh hưởng dây chuyền của nó đối với các ngành cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, thông qua quá trình lao động trong các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài mà người lao động của địa bàn nhận đầu tư trực tiếp sẽ tiếp thu được những kỹ năng sản xuất mới, tiên tiến góp phần nâng cao tay nghề và tạo được thu nhập ổn định, đảm bảo đời sống.

– Tiếp cận với thị trường thế giới: Thông qua doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, địa bàn tiếp nhận đầu tư có thể tiếp cận với thị trường thế giới. Bởi vì hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đều do các công ty đa quốc gia thực hiện, mà các công ty này có lợi thế trong việc tiếp cận với khách hàng bằng những hợp đồng dài hạn dựa trên cơ sở những thân thế và uy tín của họ về chất lượng, kiểu dáng của sản phẩm. Những tác động tích cực nói trên cho thấy vai trò quan trọng của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với phát triển kinh tế – xã hội ở địa bàn tiếp nhận đầu tư.

Tác động tiêu cực

Bên cạnh những tác động tích cực, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài còn có các tác động tiêu cực đến kinh tế – xã hội của địa bàn tiếp nhận đầu tư:

– Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài có mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, vì thế họ có thể bất chấp những đòi hỏi tôn trọng truyền thống văn hóa, xã hội của dân tộc, khai thác tài nguyên quá mức, không quan tâm tới việc xử lý ô nhiễm môi trường, đẩy mạnh bóc lột người lao động bằng các hình thức tăng cường độ lao động đối với công nhân, kéo dài thời gian làm việc, cắt xén điều kiện bảo hộ lao động, làm phân hóa đội ngũ cán bộ, “chảy máu chất xám”. Điều đó có thể gây nên mâu thuẫn và làm nảy sinh nhiều vấn đề mới trong xã hội.

– Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài thường lợi dụng, khai thác những mặt yếu kém của Chính phủ và các doanh nghiệp sở tại, đặc biệt họ thường chú ý khai thác những sơ hở, yếu kém về luật lệ, thủ tục và cán bộ trong khâu quản lý, sự nắm bắt không kịp thời các thông tin thị trường về công nghệ, giá cả của nước chủ nhà để khai khống giá trị máy móc thiết bị công nghệ góp vốn, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ không thích hợp, lạc hậu, làm thiệt hại đến lợi ích của phía nhận đầu tư.

– Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể làm tăng sự phụ thuộc về vốn, kỹ thuật và mạng lưới tiêu thụ của địa bàn nhận đầu tư vào phía nước ngoài, vì các quy trình kỹ thuật, công nghệ sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ hàng hóa do các nhà đầu tư nắm giữ và chỉ được chuyển giao dần dần. Sự phụ thuộc càng nhiều thì tính chủ động của địa bàn nhận đầu tư càng yếu. Do vậy, nếu không tranh thủ được những tác động tích cực của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài để nhanh chóng phát triển công nghiệp nội địa, tạo nguồn tích lũy, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, tiếp nhận kỹ thuật mới, thì địa bàn tiếp nhận đầu tư khó có khả năng giảm và loại bỏ được sự phụ thuộc.

– Các nhà đầu tư nước ngoài có thể bằng nhiều cách làm tổn hại đến chủ quyền kinh tế của địa bàn tiếp nhận đầu tư. Thông qua các công ty xuyên quốc gia, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài có thể gây ảnh hưởng tới chính trị của địa bàn tiếp nhận đầu tư, gây sức ép đối với Chính phủ, tác động không lành mạnh đến cơ cấu xã hội. Mục tiêu chiến lược của họ không phải bao giờ cũng thống nhất với mục tiêu phát triển kinh tế của địa bàn nhận đầu tư, do đó, các nhà đầu tư nước ngoài có thể có quan điểm, ý kiến trái ngược hoặc có hành vi vi phạm các chính sách quản lý tài chính, tiền tệ của địa bàn tiếp nhận đầu tư.

– Trong điều kiện nền kinh tế mở, nếu sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa trên địa bàn tiếp nhận đầu tư nước ngoài yếu thì sự xuất hiện của các doanh nghiệp FDI có thể dẫn đến sự lũng đoạn và làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Bởi vì, các doanh nghiệp FDI thường chiếm ưu thế về kỹ thuật, vốn và kinh nghiệm tổ chức quản lý so với doanh nghiệp trong nước. Như vậy, doanh nghiệp FDI không chỉ mang lại những tác động tích cực mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tiếp nhận đầu tư. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá lo ngại về điều này, bởi lẽ bất kỳ một loại hình doanh nghiệp nào trong nền kinh tế thị trường cũng đều có mặt trái của nó. Vấn đề đặt ra là, quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phải ngăn chặn, giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực các doanh nghiệp này, đồng thời tạo điều kiện hấp thu tối đa các tác động tích cực của chúng, thu hút ngày càng nhiều hơn lượng vốn FDI, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa bàn tiếp nhận đầu tư trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI trên thế giới diễn ra ngày một khốc liệt.

Để lại một bình luận

error: Content is protected !!
Chat Zalo