MỤC TIÊU CỦA QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

20:34 | |

Việc xác định mục tiêu quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là điểm khởi đầu và là khâu rất quan trọng của quá trình quản lý. Mục tiêu quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp FDI là nhằm giải quyết các vấn đề cơ bản trong quan hệ hợp tác kinh tế với nước ngoài và suy cho cùng là làm thế nào để cho các doanh nghiệp này hoạt động có hiệu quả phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của địa bàn tiếp nhận đầu tư. Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là tạo điều kiện để doanh nghiệp FDI phát triển thuận lợi, hướng vào xuất khẩu, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội gắn với thu hút công nghệ hiện đại, tạo thêm nhiều việc làm. Trên cơ sở đó, quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp FDI nhằm đạt các mục tiêu sau:

Thông qua quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp FDI nhằm không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách thu hút, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực sự trở thành một bộ phận quan trọng đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã khẳng định: “ Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư trực tiếp của nước ngoài”, “xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử trong tiếp cận các cơ hội đầu tư”, “Đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép đầu tư đối với đầu tư nước ngoài”, “ Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển” 

Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp FDI nhằm kết hợp tối ưu giữa nguồn lực bên ngoài với nguồn lực trong nước, vừa mở cửa rộng rãi với bên ngoài nhằm tranh thủ các lợi thế của nhà đầu tư, vừa tính đến bảo hộ một cách hợp lý để các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước có thời gian thích ứng để phát triển và đủ khả năng hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, quản lý nhà nước phải làm sao phát huy hết khả năng tiềm tàng của doanh nghiệp FDI, tạo ra nhịp sống kinh tế cần thiết để khơi dậy nguồn nội lực của địa bàn tiếp nhận đầu tư.

Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp FDI còn nhằm thực hiện các mục tiêu cụ thể, trong đó việc thu hút vốn, công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý tiên tiến của nước ngoài phải đặt lên hàng đầu như: “thu hút nhiều doanh nghiệp lớn, các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới đầu tư cho sản phẩm xuất khẩu và công nghệ cao” [4, tr.240]. Đồng thời, công tác quản lý nhà nước cần phải tạo ra động lực và ý thức cho các doanh nghiệp FDI thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, góp phần xây dựng các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, tạo ra các thế mạnh của nền kinh tế nước sở tại khi tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp FDI nhằm đảm bảo sự hình thành và hoạt động của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu chuyển đổi và tạo dựng cơ cấu hợp lý nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường theo định hướng XHCN. Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp FDI không thể coi cơ cấu FDI là hình ảnh thu nhỏ cơ cấu chung của nền kinh tế quốc dân; không thể sao chép cơ cấu đầu tư trong quy hoạch tổng thể và thu hẹp lại để xác định cơ cấu FDI; mà cần có quy hoạch tổng thể để từ đó tạo nên một cơ cấu FDI phù hợp nhất trong tổng thể nền kinh tế. Việc thẩm định dự án FDI, lựa chọn đối tác để hình thành nên các doanh nghiệp FDI, cần dựa trên chiến lược, quy hoạch tổng thể dài hạn phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, có tính đến các yếu tố cơ cấu ngành, vùng, thành phần kinh tế, kinh tế trong nước, kinh tế đối ngoại, tính toán phân tích toàn diện lợi ích kinh tế – xã hội trước mặt cũng như lâu dài, những ảnh hưởng về môi trường sinh thái. Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp FDI nhằm tạo môi trường pháp lý, môi trường chính trị, kinh tế – xã hội ổn định, những điều kiện cần thiết và thuận lợi cho sự ra đời và hoạt động kinh doanh có hiệu quả của doanh nghiệp FDI; chú trọng cả từ khâu “tiền kiểm” cho đến “hậu kiểm” để vừa phát huy mặt tích cực, đồng thời hạn chế những mặt tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp FDI; bảo hộ sở hữu, bảo vệ lợi ích hợp pháp của chủ đầu tư nước ngoài, khuyến khích họ hăng hái, yên tâm đầu tư, kinh doanh và hợp tác rộng rãi có hiệu quả với nhà đầu tư trong nước.

Để lại một bình luận

error: Content is protected !!
Chat Zalo