Tại Điều 3, Luật kinh doanh Bảo Hiểm năm 2000: “Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích sinh lời, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm”.
Một số khái niệm được sử dụng trong định nghĩa trên được pháp luật giải thích như sau:
– Bên mua bảo hiểm là tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm và đóng phí bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm có thể là đồng thời là người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng.
– Người được bảo hiểm là tổ chức, cá nhân có tài sản, trách nhiệm dân sự, tính mạng được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm. Người được bảo hiểm có thể đồng thời là người thụ hưởng.
– Người thụ hưởng bảo hiểm là tổ chức, cá nhân được bên mua bảo hiểm chỉ định để nhận tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm con người.
– Sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định mà khi có sự kiện đó xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm.
– Phí bảo hiểm là khoản tiền mà bên bảo hiểm phải đóng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm theo thời hạn bảo hiểm và phương thức do các bên thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Theo nghĩa rộng kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm tất cả những hoạt động của các chủ thể kinh doanh trên thị trường bảo hiểm có mục đích sinh lời gồm: Hoạt động kinh doanh bảo hiểm, hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm, hoạt động môi giới bảo hiểm và hoạt động đại lý bảo hiểm.
Đặc điểm của kinh doanh bảo hiểm:
– Chủ thể thực hiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm là doanh nghiệp bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm đứng ra lập quỹ bảo hiểm từ nguồn thu phí bảo hiểm của người tham gia bảo hiểm, quản lý sử dụng quỹ bảo hiểm để chi trả hoặc bồi thường bảo hiểm cho người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng khi có sự kiện bảo hiểm. Mặc dù kinh doanh bảo hiểm là một quan hệ được thiết lập trên cơ sở hợp đồng giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên để thiết lập được quan hệ hợp đồng bảo hiểm ngoài việc các bên trực tiếp thiết lập quan hệ còn có các chủ thể khác tham gia để giúp cho các bên thiết lập được quan hệ bảo hiểm gốc là đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Trong kinh doanh bảo hiểm ngoài mối quan hệ giữa doanh nghiệp bảo hiểm với người mua bảo hiểm còn có các quan hệ bảo hiểm phái sinh là quan hệ kinh doanh tái bảo hiểm.
– Hoạt động kinh doanh bảo hiểm luôn nhằm mục đích thu lợi nhuận. Thu nhập được tạo ra từ phần chênh lệch giữa số phí thu được với các nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm và số lãi thu được từ hoạt động đầu tư tài chính từ nguồn phí thu được còn nhàn rỗi.
– Đối tượng kinh doanh bảo hiểm là sản phẩm đặc biệt một lời cam kết gắn liền với yếu tố rủi ro. Xét về tính chất kinh doanh thì kinh doanh bảo hiểm thuộc loại hình kinh doanh dịch vụ “Dịch vụ tài chính”. Sản phẩm bảo hiểm là sản phẩm vô hình- là sự bảo đảm về mặt tài chính trước rủi ro cho người được bảo hiểm và kèm theo các dịch vụ có liên quan. Người tham gia bảo hiểm nộp phí cho nhà bảo hiểm để đổi lấy lời hứa hay cam kết là sẽ trả tiền bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra.
– Chu trình kinh doanh bảo hiểm là một chu trình đảo ngược- sản phẩm bảo hiểm được bán ra trước -doanh thu phát sinh, sau đó mới phát sinh chi phí – Đặc điểm này tạo ra tính nhàn rỗi của nguồn vốn bảo hiểm trong những thời gian nhất định, Chủ thể nhận bảo hiểm có thể sử dụng chúng để đầu tư sinh lời nhằm tăng khả năng tài chính cho chi trả bồi thường và tăng thu nhập cho doanh nghiệp. Bởi vậy, đầu tư tài chính là một hoạt động không thể tách rời với hoat động bảo hiểm. Điều này nó làm cho bảo hiểm có tính phức tạp và ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm đòi hỏi phải được quản lý chặt chẽ nhằm bảo đảm lợi ích cho người tham gia.
– Bảo hiểm vừa mang tính bồi hoàn vừa không mang tính bồi hoàn: Trong thơì gian bảo hiểm, không có sự kiện bảo hiểm xảy ra thì DN bảo hiểm không phải trả tiền hay bồi thường bảo hiểm. Nếu có sự kiện bảo hiểm xảy ra thì DNBH phải trả tiền hoặc bồi thường bảo hiểm.
Do tính bất ngờ của rủi ro bảo hiểm cả không gian, thời gian và quy mô nên DNBH phải xây dựng các quỹ dự phòng để thực hiện cam kết của mình trước bên tham gia bảo hiểm; Quỹ này được sử dụng để tham gia đầu tư tuy nhiên bảo đảm tính thanh khoản cao;
Số tiền bồi thường bảo hiểm trong một hợp đồng nếu có thường rất lớn, lớn hơn nhiều lần số phí mà người tham gia bảo hiểm đã đóng. (Do lợi ích các bên có xung đột trực diện thường xảy ra tranh chấp trong thực hiện hợp đồng). Vì thế có thể dẫn đến các trường hợp trục lợi bảo hiểm. DN bảo hiểm muốn bảo đảm và ổn định nguồn tài chính cho việc bù đắp tổn thất trong hoạt động bảo hiểm thì phải thực hiện tốt nguyên tắc lấy số đông bù cho số ít; Trong trường hợp có hợp đồng có giá trị lớn hoặc đối tượng bảo hiểm có nguy cơ dẫn đến rủi ro cao thì DN bảo hiểm phải thực các biện pháp phân tán rủi ro như đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm; mặt khác để giảm bớt chi phí bồi thường các DNBH phải tăng cường các biện pháp đề phòng, ngăn ngừa và hạn chế tổn thất bảo hiểm.
– Hoạt động kinh doanh bảo hiểm được điều chỉnh bằng luật kinh doanh bảo hiểm và các văn bản pháp luật khác có liên quan;
– Hoạt động kinh doanh bảo hiểm là hoạt động kinh doanh có điều kiện đặt dưới sự quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.