ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, KINH TẾ – XÃ HỘI VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

10:45 | |

Thái Nguyên là một tỉnh thuộc miền núi và Trung du Bắc Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Bắc Kạn, phía Đông Nam giáp tỉnh Bắc Giang, phía Đông Bắc giáp tỉnh Lạng Sơn, phía Nam giáp Thủ đô Hà Nội, phía Tây giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Tây Nam giáp tỉnh Vĩnh Phúc. ở vị trí này, Thái Nguyên là điểm tiếp giáp, là cầu nối giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng với các tỉnh vùng núi phía Bắc. Vì vậy, về mặt quân sự, Thái Nguyên vừa là cửa ngõ đi vào vùng Việt Bắc, vừa là lá chắn, “là phên dậu của kinh thành Thăng Long”.

Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Thái Nguyên là tỉnh nằm trong căn cứ địa cách mạng Việt Bắc. Trong kháng chiến chống Pháp, Thái Nguyên trở thành thủ đô kháng chiến của cả nước. Từ năm 1956 đến năm 1976, Thái Nguyên là thủ phủ của khu tự trị Việt Bắc. Xuất phát từ yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thực hiện Nghị quyết ngày 21/4/1965 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tỉnh Thái Nguyên hợp nhất với tỉnh Bắc Kạn thành tỉnh Bắc Thái.

Ngày 29/2/1978, Quốc hội khóa VI nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra nghị quyết tách hai huyện Ngân Sơn và Chợ Rã (nay là huyện Ba Bể) khỏi tỉnh Bắc Thái, sáp nhập vào tỉnh Cao Bằng. Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, ngày 6/11/1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội (khóa IX) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra nghị quyết về phân chia lại địa giới hành chính một số tỉnh, Bắc Thái được tách thành hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn.

Tỉnh Thái Nguyên hiện nay có tổng diện tích tự nhiên là 3.541,1km2, với 9 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 7 huyện (Phú Bình, Phổ Yên, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Đại Từ, Phú Lương, Định Hóa), thành phố Thái Nguyên và thị xã Sông Công. Toàn tỉnh có 180 đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn. Địa hình Thái Nguyên chia làm ba vùng: vùng Trung du gồm: thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công, các huyện Phổ Yên, Phú Bình; vùng núi gồm các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ; vùng cao là huyện Võ Nhai. Hệ thống đào tạo gồm 6 trường đại học, 16 trường cao đẳng, trung học dạy nghề.

Định cư và sinh sống lâu đời trên vùng đất Thái Nguyên có 8 dân tộc chính với gần 1.084.000đ người. Trong đó dân tộc Kinh có số lượng đông nhất (khoảng 75,5%), dân tộc Tày (khoảng 10,7%), dân tộc Nùng (khoảng 5,2%), dân tộc Dao (khoảng 2,5%), dân tộc Sán Dìu (khoảng 2,3%), các dân tộc khác (H.Mông, Hoa, Thái) chiếm gần 5% dân số của tỉnh. Mặc dù mỗi dân tộc đều có đặc điểm riêng về tiếng nói, phong tục tập quán, nhưng tất cả đều có nét tương đồng, hòa nhập, tạo nên một cộng đồng đoàn kết gắn bó trong đấu tranh chế ngự thiên nhiên, chống thù trong giặc ngoài. Bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc và xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tạo ra một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Là địa bàn chiến lược quan trọng, Thái Nguyên sớm nhận được sự quan tâm của Đảng. Ngay từ khi chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên trong tỉnh được thành lập cuối năm 1936, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, những người cộng sản Thái Nguyên đã lãnh đạo nhân dân hòa vào cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, đòi tự do, cơm áo, hòa bình (1936-1939); vận động nhân dân trong tỉnh hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (1940); xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai, thành lập Trung đội Cứu quốc quân II – một trong những đơn vị tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; phát động đấu tranh vũ trang chống khủng bố, bảo vệ căn cứ địa cách mạng; khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh.

Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thái Nguyên được chọn làm nơi xây Khu an toàn (ATK) tại huyện Định Hóa cho các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ… ở và lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc trong cả nước. Đây là một nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng hết sức vẻ vang. Để thực hiện nhiệm vụ trọng đại này, Đảng bộ Thái Nguyên đã quán triệt sâu sắc đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh” của Đảng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; khẳng định niềm tin cho nhân dân vào thắng lợi của cuộc kháng chiến; động viên nhân dân tích cực tham gia hoạt động kháng chiến. Trải qua thực tiễn cách mạng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thái Nguyên hết sức tự hào vì đã hoàn thành xuất sắc trọng trách Đảng giao phó; bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp, các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước trước sự bao vây, tấn công, phá hoại của kẻ thù.

Thái Nguyên còn là địa bàn đứng chân của các đơn vị bộ đội chủ lực, là nơi ra đời nhiều chủ trương chiến lược của Đảng và Chính phủ chỉ đạo toàn quốc kháng chiến. Đặc biệt, tại Tỉn Keo thuộc xã Phú Đình (Định Hóa), ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bám sát đường lối kháng chiến của Trung ương Đảng, Đảng bộ Thái Nguyên tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên sức người, sức của trong nhân dân phục vụ sản xuất, chiến đấu, góp phần đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ thắng lợi.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 48.278 người con ưu tú của nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đã lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc, trong đó có 7.792 người đã anh dũng hy sinh, gần 5.000 người để lại một phần xương máu trên các chiến trường. Hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm của Thái Nguyên được huy động cho kháng chiến trong điều kiện đời sống của nhân dân còn gặp muôn vàn khó khăn… Tất cả điều đó cho thấy, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đã được phát huy tới cao độ.

Công lao và thành tích đóng góp to lớn của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thái Nguyên trong hai cuộc kháng chiến đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận: 45 tập thể được tuyên dương danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang”, 18 cá nhân (có sinh quán, trú quán trên địa bàn tỉnh) được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và “Anh hùng lao động”, 131 Bà mẹ được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ Thái Nguyên tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong những năm kháng chiến, biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong lao động dựng xây quê hương đất nước. Từ những đặc điểm về điều kiện vị trí địa lý tự nhiên, kinh tế – xã hội đã có những ảnh hưởng tới việc ADPL trong hoạt động giải quyết án HN và GĐ của TAND ở tỉnh Thái Nguyên như sau:

– Ảnh hưởng do đặc thù về điều kiện địa lý tự nhiên và kinh tế – xã hội. Thái Nguyên là một tỉnh miền núi trung du Bắc Bộ, giáp với 6 tỉnh phía Bắc, có diện tích tự nhiên 3.541,1km2, rộng hơn so với một số tỉnh ở cùng khu vực Bắc Bộ, với 9 đơn vị hành chính được chia thành 3 vùng: vùng trung du gồm 4 đơn vị hành chính, vùng núi có 4 đơn vị hành chính, vùng cao có 1 đơn vị. Định cư và sinh sống trên vùng đất Thái Nguyên có 8 dân tộc khác nhau với sự phân bố vị trí địa lý như vậy gây không ít khó khăn cho công tác điều tra, xác minh, định giá, việc triệu tập các đương sự cũng gặp rất nhiều khó khăn (giao thông đi lại khó khăn, công tác văn thư chuyển chậm…), có những trường hợp rất vất vả mới tìm đến được nhà đương sự, nhưng từ xa thấy cán bộ Tòa án đến họ lại bỏ đi không tiếp, việc tiếp xúc lấy lời khai, điều tra ADPL đối với một số trường hợp gặp rất nhiều khó khăn. Với vị trí địa lý tiếp giáp với nhiều tỉnh nên có nhiều đầu mối giao thông qua tỉnh, bên cạnh đó còn có các vùng khai thác khoáng sản như vàng và các kim loại khác. Do vậy, các loại tội phạm về an toàn trật tự xã hội đều gia tăng. Khi loại tội phạm về hình sự tăng thì án HN và GĐ cũng tăng theo như lý do xin ly hôn, một bên đi cải tạo, một bên đi cai nghiện… ở mỗi vùng khác nhau, những tranh chấp trong quan hệ hôn nhân cũng khác nhau, do điều kiện sống ở các khu vực và các vùng nông thôn khác nhau, trình độ dân trí thấp, việc tuyên truyền giáo dục pháp luật chưa tốt, một số công dân nhận thức thấp, ít am hiểu về xã hội, ít có điều kiện xem sách báo, nghe đài, nên những kiến thức về pháp luật nói chung và Luật Hôn nhân và gia đình nói riêng còn rất hạn chế. Từ những điều kiện về vị trí địa lý, kinh tế – xã hội đã ảnh hưởng đến quá trình ADPL trong giải quyết án HN và GĐ như ADPL trong thụ lý, điều tra thu thập chứng cứ đến giai đoạn xét xử đối với loại án này ở vùng cao, vùng núi gặp không ít khó khăn. Khác với vụ án hình sự, khi chuẩn bị xét xử đối với các bị cáo được tại ngoại, Tòa án báo gọi mà cố tình không đến thì Tòa án có quyền ra lệnh bắt giam để chờ xét xử, đối với án HN và GĐ thì pháp luật không cho phép làm như vậy, đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến một số vụ án bị kéo dài.

– Từ năm 1996, do phân chia lại địa giới hành chính tỉnh Thái Nguyên mới được tách ra từ tỉnh Bắc Thái, một số cán bộ, Thẩm phán và lãnh đạo Tòa án chuyển lên công tác tại TAND tỉnh Bắc Kạn, nên đội ngũ cán bộ Tòa án của tỉnh Thái Nguyên thiếu về số lượng và chất lượng, cán bộ vẫn chưa được kiện toàn phù hợp với đòi hỏi thực tiễn, lượng thẩm phán trực tiếp ADPL để giải quyết các vụ án về HN và GĐ rất mỏng. Mặt khác, việc hướng dẫn cụ thể của các đạo luật còn chậm, tập huấn nâng cao công tác nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác xét xử còn ít, lượng thông tin về khoa học pháp luật đối với người dân còn thấp, các văn bản mới được thường xuyên ban hành, nhưng những văn bản đó đến tay những chủ thể ADPL còn chậm.

– Ngoài những yếu tố về vị trí địa lý, về con người thì điều kiện cơ sở vật chất của ngành Tòa án cũng như kinh phí hoạt động cũng ảnh hưởng tới hoạt động của ngành Tòa án nói chung và của TAND ở Thái Nguyên nói riêng. Trong giai đoạn nền kinh tế của đất nước từ bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường, trước những khó khăn của đất nước cũng đã ảnh hưởng đến ngành Tòa án của tỉnh Thái Nguyên, như cơ sở vật chất, phương tiện làm việc còn nhiều thiếu thốn và bất cập, phòng xử án của các Tòa án cấp huyện chủ yếu là nhà cấp 4 đã cũ, không tạo được vẻ uy nghi trang trọng của một phiên tòa. Đến năm 2000 được sự quan tâm của nhà nước cho xây dựng lại, nên các huyện mới có trụ sở tương đối khang trang, các phương tiện để phục vụ cho công việc còn sơ sài, việc ứng dụng những công nghệ hiện đại, như tin học vào công tác quản lý của Tòa án ở nước ta còn hạn chế, mỗi Tòa án cấp huyện chỉ có một máy tính phục vụ cho công tác văn phòng, chưa khai thác hết các tính năng tác dụng phục vụ cho công tác. Hệ thống máy tính của Tòa án tỉnh và Tòa án cấp huyện chưa được nối mạng để phục vụ cho công tác chuyên môn. Kinh phí dành cho hoạt động nghiệp vụ còn hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu công việc thực tiễn. Số lượng án nói chung hiện nay tăng các vụ án về HN và GĐ càng ngày càng phức tạp hơn, song các chi phí khác như chi bồi dưỡng cho Hội thẩm còn thấp, chưa động viên khuyến khích họ tham gia xét xử. Từ những điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế cũng là những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình ADPL trong hoạt động giải quyết án HN và GĐ. Như vậy, từ những điều kiện về vị trí địa lý, điều kiện kinh tế – xã hội, việc sáp nhập, tách tỉnh mới và điều kiện cơ sở vật chất đã tác động ảnh hưởng đến hoạt động của ngành Tòa án nói chung và việc ADPL trong hoạt động giải quyết án HN và GĐ nói riêng của tỉnh Thái Nguyên.

Để lại một bình luận

error: Content is protected !!
Chat Zalo