KHÁI NIỆM ĐẶC ĐIỂM ÁP DỤNG PHÁP LUẬT TRONG GIẢI QUYẾT ÁN HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH (P2)

10:36 | |

Khái niệm áp dụng pháp luật trong giải quyết án hôn nhân và gia đình

Trước khi nguyên cứu khái niệm ADPL trong giải quyết HN và GĐ, ta cần làm rõ khái niệm HN và GĐ.

Khái niệm hôn nhân và gia đình

* Khái niệm hôn nhân: Trước hết hôn nhân là hiện tượng xã hội, là sự liên kết giữa người đàn ông và người đàn bà. Trong xã hội có giai cấp, hôn nhân mang tính giai cấp. Dưới chế độ XHCN, hôn nhân là sự liên kết giữa người đàn ông và người đàn bà được pháp luật thừa nhận để xây dựng gia đình và chung sống với nhau suốt đời. Sự liên kết đó phát sinh, hình thành do việc kết hôn và được biểu hiện ở một quan hệ xã hội gắn liền với nhân thân, đó là quan hệ vợ chồng. Quan hệ này là quan hệ giới tính, thực chất và ý nghĩa của nó biểu hiện trong việc sinh đẻ, nuôi nấng, giáo dục con cái, đáp ứng cho nhau những nhu cầu tinh thần và vật chất trong đời sống hàng ngày. Trong mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử, giai cấp thống trị bằng pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân cho phù hợp với ý chí, nguyện vọng của mình, phù hợp với lợi ích giai cấp mình, xã hội nào thì có hình thái hôn nhân đó và tương ứng với chế độ hôn nhân nhất định. Chẳng hạn, xã hội phong kiến có hình thức hôn nhân phong kiến, mang bản chất của hôn nhân phong kiến. Trong xã hội tư bản có hình thức hôn nhân tư sản mang bản chất của xã hội tư sản. Xã hội XHCN có hình thức của hôn nhân xã hội chủ nghĩa. ở nước ta hiện nay, hôn nhân theo Luật HN và GĐ Việt Nam là sự liên kết giữa một người đàn ông và một người đàn bà trên nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện, bình đẳng theo quy định của pháp luật để chung sống với nhau suốt đời, xây dựng gia đình hạnh phúc, dân chủ, hòa thuận và bền vững. Khoản 6, Điều 8 Luật HN và GĐ năm 2000 giải thích: “Hôn nhân là quan hệ giữa người vợ và chồng sau khi đã kết hôn”.

* Khái niệm gia đình: Rộng hơn khái niệm hôn nhân, hôn nhân là mối quan hệ giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng, là tiền đề xây dựng gia đình. Xã hội loài người đã trải qua nhiều hình thái gia đình khác nhau, gia đình là sản phẩm của xã hội, đã phát sinh và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội. Do vậy, gia đình là hình ảnh thu nhỏ của xã hội, là tế bào của xã hội. Trong mỗi hình thái kinh tế – xã hội khác nhau mang tính chất và kết cấu của gia đình cũng khác nhau. Gia đình XHCN là hình thái cao nhất trong lịch sử, chế độ XHCN quyết định sự xuất hiện và phát triển của gia đình XHCN. Quan hệ bình đẳng về mọi mặt giữa vợ chồng trong gia đình XHCN phản ánh mối quan hệ bình đẳng giữa nam và nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội. ở Việt Nam Khoản 10, Điều 8 Luật HN và GĐ năm 2000 quy định: “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền giữa họ với nhau” . Như vậy, gia đình có thể gồm vợ chồng, con cái, anh chị em, cha mẹ, ông bà… cùng chung sống với nhau, có quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng. Trong quá trình chung sống phát sinh các quyền và nghĩa vụ đối với nhau. HN và GĐ là những hiện tượng xã hội mà luôn luôn được các nhà triết học, xã hội học, sử học, luật học… nghiên cứu.

Hôn nhân là cơ sở của gia đình, còn gia đình là tế bào của xã hội, mà trong đó kết hợp chặt chẽ, hài hòa lợi ích của mỗi công dân, nhà nước và xã hội. C.Mác và Ph.Ăngghen đã chứng minh một cách khoa học rằng, HN và GĐ là phạm trù phát triển theo lịch sử, rằng giữa chế độ kinh tế – xã hội và tổ chức gia đình có mối liên quan trực tiếp và chặt chẽ. Trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và Nhà nước” (1884), Ph.Ăngghen đã nhấn mạnh rằng: Chế độ gia đình trong xã hội phụ thuộc vào quan hệ sở hữu thống trị trong xã hội đó và bước chuyển từ hình thái gia đình này lên hình thái gia đình khác cao hơn suy cho cùng được quyết định bởi những điều kiện vật chất của đời sống xã hội. Bằng tác phẩm đó, Ph.Ăngghen đã làm thay đổi quan điểm trước đây về hình thái HN và GĐ trong lịch sử. Tại các Điều 9, 10, 11, chương X, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định việc kết hôn, để được công nhận hôn nhân hợp pháp; việc đăng ký kết hôn phải tuân theo các quy định của pháp luật và việc ly hôn cũng như giải quyết các quan hệ liên quan đến hôn nhân cũng được tiến hành theo trình tự pháp luật nhất định, các bước phải được tuân thủ theo Bộ luật Tố tụng dân sự khi giải quyết một vấn đề cụ thể thì được áp dụng theo Luật Hôn nhân và gia đình.

Để lại một bình luận

error: Content is protected !!
Chat Zalo