QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VỀ VIỆC HUY ĐỘNG VÀ SỬ DỤNG VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI FDI

10:12 | |

Trong quá trình hội nhập nền kinh tế thế giới, vốn đầu tư cho phát triển là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công hay thất bại của mỗi quốc gia. Đối với Việt Nam, mục tiêu đặt ra là thực hiện thành công quá trình CNH- HĐH đất nước, phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Do đó việc thu hút vốn đầu tư trở thành chiến lược quan trọng của đất nước

Từ Đại hội VI, Nhà nước ta đã quán triệt tư tưởng chủ đạo: phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời cũng khẳng định: Nguồn vốn trong nước là quyết định, nguồn vốn nước ngoài là quan trọng. Hiện nay, nguồn tích luỹ trong nước là rất thấp do vậy vốn nước ngoài là nguồn vốn trực tiếp chiếm tỷ lệ lớn trong vốn đầu tư phát triển. Bởi vì, nguồn vốn nước ngoài bổ sung cho nguồn vốn trong nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều ngành nghề mới, tăng thu nhập cho người lao động.

– Thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho phù hợp với tiến trình phân công lao động quốc tế.

– Kế thừa, tiếp thu có chọn lọc các công nghệ mới, học hỏi kinh nghiệm của các nước khác trên thế giới trong quá trình xây dựng một nền kinh tế hiện đại.

– Sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng của đất nước.

Quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước ta khi xây dựng chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài là quán triệt phương châm: Đa phương hoá, đa dạng hoá các  mối quan hệ kinh tế đối ngoại trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, bình đẳng và hai bên cùng có lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thể hiện:

– Đảm bảo quyền lợi cho các nhà ĐTNN

– Nhà ĐTNN được tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

– Đảm bảo lợi ích quốc gia trong mọi lĩnh vực: sản xuất- kinh doanh- môi trường và đời sống xã hội.

– Khai thác triệt để thế mạnh của bên đầu tư về vốn, kỹ thuật nhằm nâng cao trình độ quản lý kinh doanh cho đội ngũ các nhà quản trị kinh doanh Việt Nam, đào tạo nghề cho người lao động.

Để tạo khuôn khổ pháp lý cho các tư tưởng chủ đạo trên, Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh về ĐTNN vào năm 1977. Nhưng do thế giới có nhiều biến động và Việt Nam chưa phát triển, nên Nghị định này không được thực hiện tốt, các nhà ĐTNN chưa dám đầu tư vào Việt Nam. Đến ngày 28/12/1987, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động ĐTNN. Luật gồm 4 chương với 42 điều quy định về lĩnh vực đầu tư, biện pháp khuyến khích đầu tư, quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư, các cơ quan quản lý ĐTNN.

Từ năm 1987 đến nay, Luật đầu tư nước ngoài đã được sửa đổi, bổ sung 4 lần; bên cạnh đó còn có hàng loạt các văn bản dưới luật, các nghị định, nghị quyết, thông tư được ban hành cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của đất nước, phù hợp với thông lệ quốc tế..

– Lần 1 (tháng 6/1990): Nội dung sửa đổi, bổ sung là các vấn đề về bên Việt nam, về hợp đồng hợp tác kinh doanh, xí nghiệp liên doanh (về khái niệm, phần vốn góp của các bên nước ngoài, hội đồng quản trị, giảm thuế lợi tức..); các tổ chức kinh tế tư nhân ở Việt Nam có thể hợp tác liên doanh với nước ngoài. Do đó, nội dung của Luật được cụ thể, rõ ràng hơn, mang tính thực tiễn.

– Lần 2 (Tháng 12/1992): Quốc hội đã thông qua các quy định; Bên Việt Nam gồm một hoặc nhiều doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, quy định về khu chế xuất, hợp đồng kinh doanh – xây dựng – chuyển giao (BOT); bên Việt Nam có thể góp vốn pháp định bằng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, việc tăng dần tỷ trọng vốn góp của bên Việt Nam trong vốn pháp định của doanh nghiệp có vốn ĐTNN; mở rộng khoản vốn vay tại ngân hàng ở nước ngoài; bảo đảm vốn đầu tư, không quốc hữu hóa.

Luật này đã mở ra các hình thức đầu tư và góp vốn đầu tư mới, đưa ra các biện pháp mới để đảm bảo lợi ích của bên Việt Nam và những giải pháp để làm an tâm và tạo thuận lợi cho các nhà ĐTNN.

– Lần 3 (12/11/1996): Luật gồm 6 chương 68 điều, quy định cụ thể về các hình thức đầu tư, biện pháp bảo đảm đầu tư, quyền và nghĩa vụ của nhà ĐTNN, của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN.

– Lần 4 (5/2000): Mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật ĐTNN là nhằm tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp có vốn ĐTNN, thu hút vốn FDI với chất lượng cao, giảm mức chênh lệch giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Luật đã sửa đổi, bổ sung một số điều: Nguyên tắc nhất trí trong doanh nghiệp liên doanh, cân đối ngoại tệ, chuyển nhượng vốn…

Bên cạnh đó, hàng loạt các quy định, nghị định, thông tư được ban hành ( như Quyết định số 233/1998/QĐ – TTg; Nghị định số 169/1999/NĐ – CP…) nhằm cụ thể hóa Luật ĐTNN, bảo đảm cho Luật được đi vào thực tiễn và có tính hiệu lực cao.

 

Để lại một bình luận

error: Content is protected !!
Chat Zalo