Hoạt động FDI cũng có những mặt tích cực và những mặt tiêu cực, để tận dụng được những ưu điểm và hạn chế được những nhược điểm, chúng ta cần xem xét tác động của FDI đối với nền kinh tế như thế nào, qua đó thấy được FDI có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước và khẳng định thêm tính tất yếu của việc thu hút và sử dụng FDI.
Tác động tích cực
Tăng trưởng kinh tế đòi hỏi phải có vốn. Vốn đầu tư là nguồn đầu vào quan trọng, thiếu vốn mọi hoạt động kinh tế – xã hội sẽ bị ngưng trệ, những lĩnh vực cần nhiều ưu tiên không được đáp ứng đầy đủ. Nguồn vốn đầu tư bao gồm: vốn trong nước và vốn ngoài nước. Đối với các nước đang phát triển khả năng tích luỹ còn thấp, thị trường vốn trong nước còn yếu và gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với thị trường bên ngoài, nguồn vốn ĐTNN có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế. Huy động vốn FDI góp phần tăng thêm nguồn vốn cho đầu tư phát triển, bổ sung vào lượng vốn đang bị thiếu hụt mà không bị ràng buộc bởi các điều kiện chính trị, tránh được tình trạng nợ nần. Mặc khác, khi xảy ra rủi ro, FDI ít ảnh hưởng đến nguồn mặt tài chính vì các nhà ĐTNN sẽ phải gánh chịu phần lớn thiệt hại khi xảy ra rủi ro. Hiện nay, trên thế giới có nhiều nước đang nắm giữ một số lượng vốn khổng lồ và muốn đầu tư ra nước ngoài thì đây chính là cơ hội để các nước đang thiếu vốn có thể tranh thủ vốn ĐTNN. Trên thực tế, ở nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là các nước Nics và ASEAN, nhờ có FDI mà đã giải quyết được phàn nào những khó khăn về vốn trong quá trình CNH-HĐH đất nước.
Lượng vốn FDI ngày càng chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng vốn ĐTNN của các quốc gia, trong đó một số quốc gia hoàn toàn lệ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài, đặc biệt ở giai đoạn đầu của sự phát triển kinh tế. Theo nghiên cứu của tổ chức VNTAD, FDI đã góp một phần đáng kể vào nguồn vốn đầu tư của các nước đang phát triển.
Bên cạnh là nguồn vốn bổ xung quan trọng, FDI còn tác động tích cực tới việc huy động các nguồn vốn khác của nước chủ nhà. Các ngân hàng tư nhân, chính phủ các nước đang phát triển và các tổ chức tài chính quốc tế khác luôn tin tưởng vào các nước tiếp nhận được nhiều vốn đầu tư, do vậy họ sẽ cung cấp nhiều vốn cho các nước này. Đây là một xu thế phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại, xu hướng tăng cường hợp tác sản xuất và liên kết kinh tế giữa các nước trong khu vực và trên thế giới. Xu hướng này xuất phát từ lợi ích của các quốc gia, khi tham gia váọ phân công lao động quốc tế, các nước sẽ phát huy được lợi thế của mình và khai thác được thế mạnh của các quốc gia khác để phát triển.