Những hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Đà Nẵng trong những năm qua cũng bộc lộ những hạn chế, những khó khăn. Qua các năm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tuy có tăng nhưng vẫn còn quá thấp so với tiềm năng của Đà Nẵng, là do:
Về công tác xây dựng chiến lược và quy hoạch, mặc dù đã có quy hoạch thổng thể về phát triển kinh tế xã hội, nhưng vẫn chưa đủ thông tin chi tiết về các dự án đầu tư để cung cấp cho nhà đầu tư nước ngoài. Chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa có những căn cứ xác thực, thuyết phục dẫn đến nguy cơ dễ lạc hậu, phải thường xuyên thay đổi, như vậy khó có thể tạo định hướng ổn định đáng tin cậy cho nhà đầu tư. Khi xét duyệt các dự án đầu tư thiếu chặt chẽ hợp lý, chỉ xuất phát từ mong muốn hoặc khả năng mà thiếu quan tâm đến những vấn đề về thị trường, chưa kết hợp chặt chẽ giữa nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội với yêu cầu đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ cảnh quan môi trường nên dẫn đến dự án đã cấp phép nhưng không triển khai được phải rút vốn đầu tư.
Công tác xúc tiến FDI, hiệu quả thấp; tuyền truyền vận động xúc tiến đầu tư còn đơn giản và thụ động; chưa gắn xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư. Một số buổi hội thảo xúc tiến đầu tư hoặc đối thoại với doanh nghiệp FDI còn mang tính hình thức, việc thu thập thông tin về đối tác nước ngoài còn nhiều khó khăn, không đầy đủ.
Công tác giám sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Đà Nẵng chưa được quan tâm đúng mức mà chỉ mới tập trung quan tâm tới cấp phép, chưa chú ý đến khâu quản lý sau cấp giấy phép
Cán bộ quản lý nhà nước ở các ngành có liên quan và cán bộ được cử vào liên doanh tham gia điều hành doanh nghiệp còn yếu cả về năng lực và ngoại ngữ, đây cũng là vấn đề cần xem xét, là yếu tố quyết định tới quá trình quản lý vận hành doanh nghiệp, thực tế hiện tại trên địa bàn thành phố đây là khâu cần nhanh chóng khắc phục. Có trường hợp được cử vào các chức vụ quan trọng trong ban điều hành doanh nghiệp nhưng thiếu kiến thức về chuyên môn, chưa qua đào tạo, thiếu sự hiểu biết về pháp luật lại đối mặt với lĩnh vực mới mẻ, những nhà kinh doanh nước ngoài sừng sỏ, nhiều kinh nghiệm nên nhiều khi lúng túng không bảo vệ được quyền lợi của phía Việt Nam. Hoạt động công đoàn còn yếu, công tác Đảng trong khu vực này còn lúng túng. Mặt khác, lao động của ta trong các doanh nghiệp FDI chất lượng còn hạn chế, thiếu tác phong công nghiệp.
Mô hình quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp FDI trên địa bàn Đà Nẵng vừa thiếu cơ chế trao đổi thông tin, thiếu cơ chế kiểm soát và hỗ trợ lẫn nhau. Việc thi hành chính sách và pháp luật đối với doanh nghiệp FDI ở Đà Nẵng còn chậm trễ, thiếu tính thống nhất, đôi khi không rõ ràng. Đặc biệt, bộ máy hành chính còn cồng kềnh, chức năng chồng chéo, thủ tục đầu tư phức tạp, dây dưa, đùn đẩy đã dẫn đến bỏ mất cơ hội của các nhà đầu tư nước ngoài.
Nguyên nhân của những hạn chế
Hệ thống luật pháp, chính sách của Nhà nước đang trong quá trình hoàn thiện nên thiếu tính đồng bộ, chưa đủ mức cụ thể nên chưa đảm bảo xuyên suốt gây khó khăn cho qua trình dự đoán của các nhà đầu tư khi tìm hiểu về môi trường đầu tư của Việt Nam. Các chính sách thiếu đồng bộ, nhiều vấn đề về thuế, hải quan, quản lý ngoại tệ, xuất nhập khẩu còn vướng mắc gây lo ngại rủi ro cho các nhà đầu tư.
Thành phố Đà Nẵng so với các địa phương khác của miền Trung có những điều kiện tốt hơn về môi trường đầu tư, nhưng những khó khăn về điều kiện kinh tế xã hội, hạ tầng cơ sở là những hạn chế khách quan rất cơ bản làm cho môi trường đầu tư kém hấp dẫn, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, tình hình cạnh tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài không chỉ giữa Việt Nam với các nước trong khu vực mà ngay trong nước ta giữa vùng này với vùng khác như Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai hoặc Hà Nội, Hải Phòng cũng rất gây gắt; xét về điều kiện sản xuất kinh doanh giữa Đà Nẵng và các địa phương trên thì Đà Nẵng còn kém hấp dẫn, tính rủi ro trong đầu tư lớn hơn.
Các khu công nghiệp đã thành lập do thiếu kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư, chi phí san lấp mặt bằng, giá phí sử dụng còn cao.
Cùng với những khó khăn về điều kiện hạ tầng cơ sở, thị trường Đà Nẵng cũng như thị trường các vùng lân cận do sức mua còn yếu, dân còn nghèo, như vậy có nghĩa thị trường nội địa còn nhỏ, các điều kiện về sản xuất phụ trợ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển, điều kiện vận tải còn khó khăn, giá thành vận tải cao, điều kiện đi lại không thuận lợi…tất cả những điều này làm cho giá thành sản phẩm cao hơn so với việc sản xuất sản phẩm tương tự ở các nơi khác, chung quy lại là tình hình trên làm cho độ rủi ro sản xuất kinh doanh ở Đà Nẵng lớn hơn so với các nơi khác.
Công tác quản lý đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn nhiều bất cập, hoạt động xúc tiến đầu tư còn nhiều hạn chế, công tác quản lý dự án sau cấp phép chưa được quan tâm đúng mức.
Trên đây là một số những nguyên nhân cơ bản về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại thành phố Đà Nẵng.