TỪ CHỐI THỰC QUYỀN YÊU CẦU CỦA BÊN NHẬN THẾ QUYỀN

01:32 | |

I. ĐẶT VẤN ĐỀ: 

Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền của mình cho người thứ 3, nhưng lại không thông báo cho bên có nghĩa vụ bằng văn bản. Đồng thời, người thứ 3 cũng không chứng minh được rằng mình nhận được thế quyền một cách rõ ràng thì người có nghĩa vụ được từ chối thực hiện nghĩa vụ.

II. ĐIỀU LUẬT DẪN CHIẾU: 

1. Khoản 1 Điều 369 BLDS 2015: Trường hợp bên có nghĩa vụ không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu và người thế quyền không chứng minh về tính xác thực của việc chuyển giao quyền yêu cầu thì bên có nghĩa vụ có quyền từ chối việc thực hiện nghĩa vụ đối với người thế quyền.

2. Khoản 1 Điều 314 BLDS 2005: Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu hoặc người thế quyền không chứng minh về tính xác thực của việc chuyển giao quyền yêu cầu thì bên có nghĩa vụ có quyền từ chối việc thực hiện nghĩa vụ đối với người thế quyền.

3. Khoản 1 Điều 320 BLDS 1995: Trong trường hợp người có nghĩa vụ không được báo bằng văn bản về việc chuyển giao quyền yêu cầu hoặc người thế quyền không xuất trình giấy tờ chứng minh về việc chuyển giao quyền yêu cầu, thì người có nghĩa vụ có quyền từ chối không thực hiện nghĩa vụ đối với người thế quyền.

III. CHÚ GIẢI ĐIỀU LUẬT: 

1. Khi chuyển giao quyền yêu cầu cho bên thứ ba, người có quyền phải (1) thông báo bằng văn bản cho bên có nghĩa vụ biết. Bên nhận quyền khi yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ thì (2) phải chứng minh việc mình được chuyển giao thế quyền hợp pháp.

2. Trong trường hợp, các bên không thực hiện một hoặc cả hai nghĩa vụ trên thì hậu quả pháp lý đã có sự thay đổi qua các thời kỳ. Trong khi BLDS 1995 VÀ BLDS 2005 cho phép bên có nghĩa vụ từ chối thực hiện công việc ngay cả khi các bên không thực hiện một trong hai nghĩa vụ. Đến BLDS 2015 quy định này bị sửa đổi thành các bên phải vi phạm đồng thời hai nghĩa vụ thông báo và chứng minh tính xác thực của thế quyền, thì bên có nghĩa vụ mới có quyền từ chối thực hiện công việc.

3. Để lý giải cho sự thay đổi, quy định buộc bên chuyển quyền phải thông báo bằng văn bản cho bên có nghĩa vụ biết hay việc buộc bên nhận quyền phải chứng minh rằng mình đã nhận thế quyền hợp pháp, nhằm loại trừ rủi ro bên có nghĩa vụ thực hiện công việc cho người thực tế không có quyền. Trường hợp này gọi là “quyền nghi ngờ hợp lý”. Bởi lẽ, nếu giao dịch chuyển quyền không tồn tại hay các bên xảy ra mâu thuẫn dẫn đến hợp đồng chuyển giao quyền bị huỷ bỏ. Thì bên có nghĩa vụ sẽ gặp rủi ro khi không biết phải thực hiện công việc như thế nào cho hợp lý.

4. Do đó, để loại trừ các rủi ro trên Luật quy định bên chuyển quyền phải thực hiện nghĩa vụ gửi thông báo bằng văn bản và bên nhận quyền phải chứng minh tính xác thực của thế quyền. Trường hợp nếu bên chuyển quyền chưa gửi thông báo bằng văn bản hay bên thế quyền không chứng minh được tính xác thực của thế quyền (như việc không đưa ra được hợp đồng chuyển giao quyền yêu cầu v.v). Thì bên có nghĩa vụ được quyền từ chối thực hiện công việc nếu các bên đồng thời vi phạm cả 2 điều trên.

5. Trước khi BLDS 2015 có hiệu lực, nếu bên chuyển quyền không thông báo bằng văn bản hoặc bên nhận quyền không có bằng chứng xác thực rằng mình có thế quyền hợp pháp, thì bên có nghĩa vụ được phép từ chối thực hiện công việc.

6. Quy định như trên chưa thỏa đáng, bởi lẽ quy định được đặt ra nhằm tránh cho bên có nghĩa vụ phải thực hiện công việc cho bên không có quyền. Tuy nhiên, trường hợp khi bên có nghĩa vụ đã nhận được thông báo bằng văn bản mà bên thế quyền không chứng minh được tính xác thực của thế quyền, thì bên có nghĩa vụ vẫn thực hiện nghĩa vụ theo thông báo của bên chuyển quyền. 

7. Bên chuyển quyền phải chịu trách nhiệm về thông báo và bên có nghĩa vụ không phải chịu rủi ro thực hiện công việc sai đối tượng. Đồng thời trong trường hợp, bên chuyển quyền tuy chưa thông báo nhưng đã lập hợp đồng chuyển quyền cho bên nhận quyền, thì trách nhiệm không thuộc về bên có nghĩa vụ. Như vậy “quyền nghi ngờ hợp lý” không được đặt ra trong trường hợp này.

IV. TÌNH HUỐNG DẪN CHIẾU: 

1. Bản án số 12/2018/KDTM-PT : “[…] Công ty C phải thông báo cho Công ty B biết việc chuyển quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 309 Bộ luật Dân sự nhưng Công ty C không báo cho Công ty B là chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình. […] Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty A: Buộc Công ty B bồi thường cho Công ty A số tiền 118.057.000 đồng (Một trăm mười tám triệu, không trăm năm mươi bảy nghìn đồng) […]”.

2. Nội dung tình huống bên chuyển quyền không thực hiện nghĩa vụ thông báo. Tuy nhiên bên nhận chuyển quyền chứng minh được tính xác thực của thế quyền, toà án đưa ra giải pháp rằng bên có nghĩa vụ không được từ chối thực hiện nghĩa vụ.

V. CHÚ GIẢI TÌNH HUỐNG: 

Giải pháp bản án đưa ra là phù hợp với quy định của BLDS 2015 như đã được phần tích ở phần trên. Việc vi phạm nghĩa vụ thông báo chỉ dẫn đến hậu quả rằng bên chuyển giao quyền phải bồi thường chi phí phát sinh do không thông báo theo Khoản 2 Điều 365 BLDS 2015, bên có nghĩa vụ không được phép từ chối thực hiện nghĩa vụ.

error: Content is protected !!
Chat Zalo