PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT CỦA TỔ CHỨC KINH TẾ TRONG NƯỚC

20:57 | |

Trong phạm vi nghiên cứu và thực hiện đề tài, tác giả bước đầu làm rõ các khái niệm chung nhất về tổ chức kinh tế trong nước theo qui định của pháp luật doanh nghiệp và pháp luật đất đai. Sự khác nhau cơ bản và chưa thể giải quyết được giữa hai ngành luật này chủ yếu là căn cứ vào nguồn vốn xác lập doanh nghiệp và căn cứ vào quốc tịch doanh nghiệp. Trong phạm vi của đề tài, tổ chức kinh tế được xác định là chủ thể sử dụng đất do vậy “khái niệm” về tổ chức kinh tế trong nước sẽ được hiểu chủ yếu theo quy định trong pháp luật đất đai.

Bất cứ tổ chức nào, bao giờ cũng được hình thành cũng vì những mục tiêu nhất định, đối với tổ chức kinh tế, đây là một dạng tổ chức được hình thành trong đời sống xã hội với mục tiêu chính là tiến hành các hoạt động kinh doanh để sinh lời. Mục tiêu lợi nhuận trong việc sử dụng đất là đặc trưng của tổ chức kinh tế. Do vậy trong quá trình khai thác sử dụng đất, cũng như các chủ thể khác, pháp luật đã xác nhận quyền chuyển quyền sử dụng đất trong đó có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng là hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận của tổ chức kinh tế. Thông qua hoạt động này có thể tạo ra lợi nhuận góp phần củng cố, duy trì và phát triển tổ chức kinh tế, thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất và thị trường kinh doanh bất động sản, hơn nữa với việc thực hiện giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tổ chức kinh tế trong nước sẽ đóng góp cho ngân sách nhà nước, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Việc tổ chức kinh tế trong nước thực hiện quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất là thực hiện một quyền quan trọng mà tổ chức kinh tế được hưởng và được đảm bảo khi có đủ điều kiện theo quy định chung và các điều kiện cụ thể như đã phân tích. Tuy nhiên trong thực tiễn áp dụng quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tổ chức kinh tế trong nước còn tùy vào các điều kiện, trường hợp cụ thể để thực hiện quyền của mình theo quy định như: chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thực hiện dự án đầu tư kinh doanh nhà ở, trong các trường hợp phân lô bán nền, chuyển nhượng dự án…v.v. trong mỗi trường hợp quá trình chuyển nhượng quyền sử dụng đất đều vấp phải những khó khăn vướng mắc nhất định cần được tháo gỡ như: vướng mắc trong việc xác định tranh chấp đất đai, thực trạng về công chứng các giao dịch về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất, khó khăn trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh nhà ở, những mâu thuẫn còn tồn tại giữa các quy định trong các ngành luật khác nhau trong việc xác định thời điểm có hiệu lực trong giao dịch quyền sử dụng đất và tài sản trên đất; còn có sự phận biệt đối xử, chưa thực sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Từ những bất cập vướng mắc xuất phát từ thực tiễn áp dụng các văn bản pháp luật về đất đai và một số ngành luật khác như trên, tác giả đã mạnh dạn đưa ra một số đề xuất với mong muốn đóng góp được phần nào trong tiến trình giải quyết các tồn tại nhằm từng bước minh bạch hóa, tạo điều kiện thuận lợi và thống nhất rõ ràng hơn trong quá trình các tổ chức kinh tế thực hiện đầy đủ các quyền của mình đã được pháp luật quy định, đặc biệt là quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất một cách có hiệu quả mang lại lợi ích thiết thực cho tổ chức kinh tế cũng như cho toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Pháp luật về quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế trong nước là một nội dung có phạm vi nghiên cứu tuy không rộng, nhưng nó liên quan trực tiếp đến quá trình sử dụng đất của tổ chức kinh tế mà quyền và nghĩa vụ đã được Hiến định, các qui định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của tổ chức kinh tế trong nước, một bộ phận cơ bản tạo dựng nên hệ thống kinh tế quốc dân, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước; do vậy trong quá trình nghiên cứu  cần có sự đầu tư thật sự chuyên sâu nhằm đảm bảo tạo được lợi ích hài hòa trong công tác quản lý của nhà nước cũng như đảm bảo lợi ích vì mục tiêu kinh doanh thu lợi nhuận của tổ chức kinh tế. Để giải quyết được một cách đầy đủ các yêu cầu này đòi hỏi phải có một công trình nghiên cứu đánh giá sâu sắc và toàn diện, có sự thống nhất và kết hợp từ nhiều lĩnh vực khác nhau, từ nhiều quy định khác nhau trong hệ thống pháp luật nước ta. Trong phạm vi khuôn khổ của đề tài này, tác giả chỉ mới đề cập sơ lược đến một số quy định chung về tổ chức kinh tế trong nước cũng như quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế trong việc sử dụng đất đai, cũng như một số vấn đề cần kiến nghị theo ý kiến chủ quan của tác giả, chắc chắn chưa thể giải quyết được hết những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật đất đai, mong rằng những vấn đề này sẽ được tiếp tục nghiên cứu và giải quyết một cách hoàn thiện hơn trong các công trình tiếp theo sau này.

Để lại một bình luận

error: Content is protected !!
Chat Zalo