TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 09/2024/KDTM-PT NGÀY 04/05/2024 VỀ TRANH CHẤP YÊU CẦU HUỶ BỎ BIÊN BẢN THOẢ THUẬN VÀ YÊU CẦU TIẾP TỤC THỰC HIỆN BIÊN BẢN GHI NHỚ
Ngày 04 tháng 5 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 16/2023/TLPT-KDTM ngày 01/12/2023 về tranh chấp yêu cầu huỷ bỏ Biên bản thoả thuận và yêu cầu tiếp tục thực hiện Biên bản ghi nhớ. Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2023/KDTM-ST ngày 21/9/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 547/2024/QĐ-PT ngày 29 tháng 3 năm 2024, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Công ty cổ phần Đ. Địa chỉ: số H đường H, phường I, quận E, thành phố Hồ Chí Minh. Người đại diện theo pháp luật: ông Nguyễn Văn T; chức vụ: Giám đốc. Có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: ông Bùi Mạnh H – Luật sư của Văn phòng L1 thuộc Đoàn Luật sư thành phố H. Có mặt.
2. Bị đơn: Công ty TNHH S. Địa chỉ: thôn P, xã A, huyện T, tỉnh Phú Yên. Người đại diện theo pháp luật: ông Chuah Keh T1; chức vụ: Tổng Giám đốc. Có mặt.
Người đại diện theo uỷ quyền của bị đơn: bà Lâm Thị Phương K – sinh năm 1982.
Địa chỉ: thôn P, xã A, huyện T, Phú Yên (văn bản uỷ quyền ngày 22/4/2024). Có mặt.
3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: ông Huỳnh Xuân Q – sinh năm 1955.
Địa chỉ: số C đường P, phường B, quận P, thành phố Hồ Chí Minh. Có mặt.
4. Người kháng cáo: nguyên đơn Công ty cổ phần Đ.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Tại đơn khởi kiện ngày 09/12/2022, các tài liệu trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:
Ngày 24/5/2022, Công ty TNHH S có ký Biên bản ghi nhớ về việc chuyển nhượng vốn góp cho Công ty cổ phần Đ. Trong đó: Công ty TNHH S chuyển 100% vốn góp cho Công ty cổ phần Đ với tổng số tiền chuyển nhượng là 88.000.000.000đồng (tám mươi tám tỷ đồng). Khi ký Biên bản ghi nhớ này, Công ty cổ phần Đ chuyển cho Công ty TNHH S số tiền cọc 5.000.000.000đồng (năm tỷ đồng). Theo Biên bản ghi nhớ, hai bên thống nhất ngày 10/6/2022 sẽ ký hợp đồng chính thức chuyển nhượng 100% vốn theo Điều 2 của Biên bản ghi nhớ. Đại diện pháp luật tại thời điểm ký Biên bản ghi nhớ của Công ty cổ phần Đ là ông Huỳnh Xuân Q. Tuy nhiên, sau đó các cổ đông của Công ty cổ phần Đ đã chuyển nhượng tất cả phần vốn góp cho ông Nguyễn Văn T, trong đó có cả phần vốn góp của ông Huỳnh Xuân Q (tài liệu đính kèm theo đơn khởi kiện) và ông Nguyễn Văn T đã làm thủ tục thay đổi người đại diện pháp luật của Công ty theo quy định pháp luật. Ngày 12/8/2022, Phòng Đ1 cũng đã tiếp nhận hồ sơ (thông báo qua mail) và ngày 15/8/2022 cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (thay đổi lần 2). Tuy nhiên, ngày 15/8/2022, ông Huỳnh Xuân Q đã tự ý làm việc với Công ty TNHH S xác lập: Biên bản thỏa thuận chấm dứt quan hệ chuyển nhượng vốn góp và thanh lý Biên bản ghi nhớ. Việc làm của ông Huỳnh Xuân Q đã xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của Công ty vì tại thời điểm này ông Huỳnh Xuân Q đã không còn là đại diện pháp luật của Công ty nên ông không đủ điều kiện làm việc để đàm phán chấm dứt Biên bản ghi nhớ đã ký và ông Q ký, đóng dấu bằng con dấu cũ của Công ty ở quận G khi chưa chuyển đổi địa chỉ Công ty qua quận E là không đúng Luật Doanh nghiệp, trái quy định pháp luật, hành vi của ông Q trực tiếp xâm phạm lợi ích Công ty. Công ty đã nhiều lần gửi thông báo đề nghị Công ty TNHH S tiếp tục thực hiện theo Biên bản ghi nhớ đã ký nhưng không có phản hồi.
Vì vậy, Công ty cổ phần Đ yêu cầu Toà án giải quyết:
– Buộc Công ty TNHH S tiếp tục thực hiện theo Biên bản ghi nhớ đã ký giữa hai bên ngày 24/5/2022;
– Hủy Biên bản thỏa thuận trái pháp luật do ông Huỳnh Xuân Q đã ký với Công ty TNHH S ngày 15/8/2022.
* Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trình bày:
Các ông, bà vẫn giữ nguyên văn bản trả lời Tòa án ngày 10/01/2023 như sau:
Thứ nhất: về quá trình hai bên ký Biên bản ghi nhớ, bàn bạc đàm phán để ký kết hợp đồng chuyển nhượng vốn góp nhưng không thành công và thanh lý Biên bản ghi nhớ, hoàn trả tiền đặt cọc.
Ngày 24/5/2022, ông Tan Swee L, Giám đốc Công ty TNHH S đại diện cho Công ty S.Bhd – Malaysia và ông Huỳnh Xuân Q – Tổng Giám đốc đại diện Công ty Cổ phần Đ có ký Biên bản ghi nhớ ngày 24/5/2022 để ghi nhận việc hai bên có bàn bạc để tiến tới ký kết Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp tại Công ty S. Theo Biên bản ghi nhớ ngày 24/5/2022, có nội dung cơ bản:
” 2.1. Giá mua bán, chuyển nhượng 100% vốn góp Công ty TNHH S theo Biên bản ghi nhớ này là: 88.000.000.000VNĐ (bằng chữ: tám mươi tám tỷ Việt Nam đồng).
2.2.1 Ngay khi ký Biên bản ghi nhớ này, Bên B đặt cọc cho Bên A 5.000.000.000VNĐ (bằng chữ: năm tỷ Việt Nam đồng), vào tài khoản:
0751.0000.13026 của Công ty TNHH S tại ngân hàng V chi nhánh tỉnh P. 2.2.2 Các bên sẽ cùng phối hợp, đàm phán để chậm nhất ngày 10/6/2022, hai bên ký hợp đồng chuyển nhượng vốn góp chính thức tại K Malaysia có sự chứng kiến của Luật sư, nội dung trong hợp đồng chuyển nhượng dựa trên biên bản ghi nhớ này. Tại ngày này bên B thanh toán cho bên A số tiền: 40.000.000.000VND (bằng chữ: bốn mươi tỷ Việt Nam đồng) vào tài khoản 0751.0000.13026 của Công ty TNHH S tại ngân hàng V chi nhánh tỉnh P. Đồng thời bên B gửi các hồ sơ liên quan về việc thay đổi vốn góp để bên A ký các hồ sơ liên quan. Nếu bên B không ký hợp đồng chuyển nhượng vốn góp và thanh toán 40.000.000.000VND (bằng chữ: bốn mươi tỷ Việt Nam đồng) coi như Biên bản ghi nhớ này chấm dứt, Bên B chấp nhận mất khoản tiền đặt cọc 5.000.000.000VNĐ (bằng chữ: năm tỷ Việt Nam đồng).
2.2.3 Chậm nhất là ngày 15/7/2022, bên A sẽ thông báo cho bên B nhận được hồ sơ chuyển nhượng đã ký duyệt. Bên B thanh toán số tiền còn lại là 43.000 000.000đồng (bằng chữ: bốn mươi ba tỷ đồng) số tiền còn lại cho bên A vào tài khoản 0751.0000.13026 của Công ty TNHH S tại Ngân hàng V, chi nhánh tỉnh P, đồng thời bên A và bên B làm thủ tục phong tỏa với số tiền 43.000.000.000đồng (bằng chữ: bốn mươi ba tỷ Việt Nam đồng). Khi có giấy báo kết quả của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh P về việc bên B nhận được văn bản chuyển nhượng vốn này (nghĩa là Giấy phép kinh doanh đã sang tên bên B) thì ngân hàng sẽ tự động mở phong tỏa và bên A có quyền sử dụng số tiền này. Tại thời điểm này, nếu bên B không thanh toán số tiền còn lại 43.000.000.000VNĐ (bằng chữ: bốn mươi ba tỷ đồng) thì giao dịch coi như đã đóng và bên A có quyền tịch thu 02 khoản tiền mà bên B đã thanh toán là: 45.000 000.000đồng (bằng chữ: bốn mươi lăm tỷ đồng).” Sau khi ký Biên bản ghi nhớ ngày 24/5/2022, hai bên đã gặp nhau vào các ngày 15 – 16/6/2022, ngày 28/6/2022 và 22/7/2022 để bàn bạc đàm phán, ký kết hợp đồng nhưng không đạt được sự thống nhất về nội dung của hợp đồng.
– Lần đàm phán thứ nhất tại thành phố T vào ngày 15 – 16/6/2022, hai bên đã thống nhất giá trị chuyển nhượng là 88.000.000.000đồng không bao gồm quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại chi nhánh của Công ty TNHH S tại Bình Dương (do quyền sử dụng đất và tài sản trên đất này Công ty S đã chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Đ2, Bình Dương) nhưng không thống nhất được về phương thức thanh toán do Công ty Đ đề xuất phương thức thanh toán khác với phương thức mà hai bên đã đồng thuận tại Biên bản ghi nhớ ngày 24/5/2022 (VLD không đồng ý thanh toán 40 tỷ đồng khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng vốn góp, mà chỉ cung cấp thư bảo lãnh của Ngân hàng). Ngoài ra, còn có một số nội dung khác. Đối với Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và việc giảm vốn điều lệ, Công ty cổ phần Đ yêu cầu Công ty TNHH S điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giảm vốn điều lệ. Về việc này, hai bên thống nhất: Công ty TNHH S sẽ thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giảm vốn điều lệ và thông báo cho Công ty cổ phần Đ biết để cùng gặp nhau tiếp tục đàm phán hợp đồng; nếu quá thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận thông báo của Công ty TNHH S mà Công ty cổ phần Đ không ra tại trụ sở Công ty TNHH S để tiếp tục đàm phán ký hợp đồng thì được hiểu là Công ty cổ phần Đ không còn nhận chuyển nhượng phần vốn góp của Công ty TNHH S nữa và sẽ chuyển trả lại số tiền đặt cọc 05 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Đ; sau khi Công ty TNHH S đã chuyển tiền 05 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Đ thì hai bên không còn quyền và nghĩa vụ gì liên quan đến việc chuyển nhượng phần vốn góp của Công ty TNHH S nữa.
– Lần đàm phán thứ hai tại thành phố T vào ngày 28/6/2022 sau khi Công ty cổ phần Đ nhận tài liệu của Công ty TNHH S về điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giảm vốn điều lệ, Công ty cổ phần Đ yêu cầu Công ty TNHH S phải xuất trình tài liệu kế toán tài chính để chứng minh phần vốn góp tại cuộc họp. Công ty TNHH S đồng ý với đề nghị của Công ty cổ phần Đ nhưng do tài liệu tài chính kế toán được lưu tại trụ Công ty ở huyện T nên Công ty TNHH S đề nghị Công ty Đ đến tại trụ sở Công ty để kiểm tra, xem xét về các tài liệu này; Công ty cổ phần Đ không đồng ý và tuyên bố kết thúc buổi đàm phán rồi rời cuộc họp, không ký biên bản theo đề nghị của Công ty TNHH S. Điều này thể hiện Công ty cổ phần Đ không còn muốn ký kết hợp đồng nhận chuyển nhượng vốn góp của Công ty S nữa.
– Trước tình hình trên, trên tinh thần hợp tác tôn trọng lẫn nhau, Công ty TNHH S đã gửi Công văn số 07/CV-JRD ngày 12/7/2022 thông báo cho Công ty cổ phần Đ: Công ty TNHH S sẵn sàng tạo điều kiện để Công ty cổ phần Đ thực hiện việc xem xét, kiểm tra tài liệu kế toán tài chính của Công ty TNHH S, từ đó có đánh giá của riêng mình để quyết định đồng ý hay không đồng ý ký kết hợp đồng nhận chuyển nhượng phần vốn góp của Công ty TNHH S. Nếu Công ty cổ phần Đ vẫn còn muốn tiếp tục thương vụ này, Công ty TNHH S dành cho Công ty cổ phần Đ thời gian 07 ngày kể từ ngày 18/7/2022 để Công ty đến tại trụ sở Công ty TNHH S kiểm tra, xem xét tài liệu kế toán tài chính. Quá thời hạn trên mà Công ty cổ phần Đ không đến kiểm tra tài liệu kế toán tài chính và cử người có thẩm quyền đến Công ty S để bàn bạc, đàm phán ký kết hợp đồng thì được coi là đã từ bỏ việc ký kết hợp đồng nhận chuyển nhượng phần vốn góp của Công ty TNHH S, Công ty cổ phần Đ không còn là đối tác của Công ty TNHH S trong việc chuyển nhượng phần vốn góp của Công ty N. Qua tin nhắn zolo và điện thoại, ông Huỳnh Xuân Q – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đ có hẹn lịch làm việc tại trụ sở Công ty TNHH S vào lúc 13 giờ 00 ngày 21/7/2022, sau đó hẹn lại đến 15 giờ nhưng vẫn không có người đến làm việc; mãi đến 16 giờ 45 phút, ông Q mới gọi điện báo là không ra Phú Yên làm việc được do bị tăng huyết áp và hẹn lại đến 09 giờ ngày 22/7/2022 làm việc. Trước sự việc này, Công ty TNHH S đã lập biên bản về sự vắng mặt của phía Công ty cổ phần Đ và mời Thừa phát lại đến ghi nhận sự việc.
Sáng ngày 22/7/2022, ông Huỳnh Xuân Q đi cùng ông Nguyễn Văn T (có tên gọi khác là P) đến làm việc với Công ty TNHH S, nhưng không xem xét gì về tài liệu kế toán, mà đề nghị giảm giá chuyển nhượng từ 88 tỷ đồng xuống 50 tỷ đồng và lại tiếp tục thay đổi phương thức thanh toán: Công ty cổ phần Đ không đồng ý chuyển tiền vào tài khoản của Công ty TNHH S – Việt Nam, mà mở tài khoản đồng sở hữu của hai bên và thực hiện đến đâu thanh toán đến đó. Công ty không đồng ý với ý kiến nêu trên của Công ty cổ phần Đ. Ông Huỳnh Xuân Q và ông Nguyễn Văn T một lần nữa tự ý rời cuộc họp mà không ký biên bản và thông báo đã khởi kiện Công ty TNHH S ra Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên. Công ty TNHH S tiếp tục mời Thừa phát lại đến ghi nhận sự việc.
Với việc từ bỏ đàm phán và tuyên bố khởi kiện Công ty TNHH S ra Tòa án, chính Công ty cổ phần Đ đã tự mình chấm dứt quan hệ hợp tác đàm phán giữa hai bên để bắt đầu quan hệ tố tụng tại Tòa án. Kể từ thời điểm này, việc thực hiện Biên bản ghi nhớ ngày 24/5/2022, tức việc bàn bạc, đàm phán kết thúc, không có hợp đồng nào được xác lập giữa hai bên, không có quyền và nghĩa vụ phát sinh giữa hai bên, ngoại trừ việc Công ty TNHH S tự nguyện chuyển trả lại cho Công ty cổ phần Đ số tiền đặt cọc mà lẽ ra Công ty bị mất số tiền này cho Công ty TNHH S do đã đưa ra giá chuyển nhượng, điều kiện thanh toán… khác với nội dung đã thống nhất trong Biên bản ghi nhớ.
Sau đó, vào sáng ngày 15/8/2022, ông Huỳnh Xuân Q – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đ và Công ty TNHH S đã ký Biên bản thỏa thuận chấm dứt quan hệ chuyển nhượng vốn góp và thanh lý biên bản ghi nhớ để nhận lại tiền đặt cọc với nội dung:
“Bên A và Bên B đã nhiều lần gặp nhau bàn bạc, đàm phán để ký kết hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp (lần 1 vào các ngày 15, 16/6/2022; lần 2 vào ngày 28/6/2022; lần 3 vào ngày 22/7/2022) nhưng không thống nhất được do Bên B đề xuất phương thức thanh toán khác với phương thức mà hai bên đã đồng thuận tại Biên bản ghi nhớ ngày 24/5/2022 và tại buổi làm việc ngày 22/7/2022, Bên B tiếp tục đưa ra thêm đề nghị giảm giá chuyển nhượng; Bên A không đồng ý.
Do Bên B yêu cầu thay đổi điều kiện so với Biên bản ghi nhớ đã ký ngày 24/5/2022 nên Bên A và Bên B không thống nhất được nội dung của hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp. Nay hai bên đồng ý thanh lý Biên bản ghi nhớ và phụ lục biên bản ghi nhớ ngày 24/5/2022, chấm dứt quan hệ chuyển nhượng vốn góp giữa hai bên, với nội dung cụ thể:
1. Trong số tiền 5.000.000.000đồng (năm tỷ đồng chẵn) mà Bên B đã đặt cọc, Bên B nhận lại số tiền 3.000.000.000đồng (ba tỷ đồng chẵn), còn lại 2.000.000.000đồng (hai tỷ đồng chẵn) Bên B bù đắp những chi phí, thiệt hại của Bên A do không ký được Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp vì lỗi của Bên B.
2. Bên A chuyển trả số tiền 03 tỷ đồng vào tài khoản của Bên B: Công ty Đ, số tài khoản: 2107898 tại ngân hàng A. Thời hạn trả lại tiền: ngay sau khi Bên A và Bên B ký vào Biên bản này, Bên A có nghĩa vụ chuyển trả đủ số tiền 03 tỷ đồng cho Bên B.
3. Sau khi Bên B nhận đủ số tiền 03 tỷ đồng, hai bên chấm dứt quan hệ chuyển nhượng vốn góp, Công ty Đ không còn là đối tác của Công ty S trong việc chuyển nhượng vốn góp của Công ty S nữa. Công ty Đ có trách nhiệm rút đơn kiện đã gửi đến Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên và cam kết không có bất cứ khiếu nại, khởi kiện gì đối với Công ty S; mọi sự khiếu nại, khởi kiện đều không còn giá trị.
4. Hai bên không còn quyền và nghĩa vụ gì liên quan đến việc chuyển nhượng vốn góp tại Công ty S. Sau ngày hai bên ký biên bản Biên bản thỏa thuận chấm dứt quan hệ chuyển nhượng vốn góp và thanh lý Biên bản ghi nhớ ngày 24/5/2022, Công ty S đã trả lại số tiền 05 tỷ đồng cho Công ty Đ (kèm theo tài liệu)”.
Thứ hai: việc Công ty cổ phần Đ thay đổi người đại diện theo pháp luật là việc nội bộ của Công ty. Về phía Công ty TNHH S không nhận được bất cứ thông báo nào của Công ty cổ phần Đ liên quan đến việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty cho đến khi ký Biên bản thỏa thuận chấm dứt quan hệ chuyển nhượng vốn góp và thanh lý Biên bản ghi nhớ với Công ty cổ phần Đ vào sáng ngày 15/8/2022. Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cũng không có bất cứ thông báo nào về sự thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty. Vì vậy, không có bất cứ lý do gì để Công ty S không ký văn bản thỏa thuận với người đại diện theo pháp luật của Công ty là ông Huỳnh Xuân Q, Tổng Giám đốc Công ty – người đã ký kết Biên bản ghi nhớ ngày 24/5/2022 và sau đó tiếp tục đàm phán với Công ty S về nội dung hợp đồng chuyển nhượng vốn góp. Hơn nữa, chính ông Huỳnh Xuân Q là người đại diện pháp luật của Công ty đến làm việc với Công ty S vào ngày 15/8/2022 cũng không thông báo hay cung cấp thông tin gì về việc thay đổi người đại diện pháp luật. Do đó, việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty là công việc nội bộ của Công ty và Công ty không thông báo công khai, minh bạch và kịp thời không ảnh hưởng đến giá trị hiệu lực của văn bản do người đại diện theo pháp luật đã ký, mà cụ thể trong trường hợp này là Biên bản thỏa thuận chấm dứt quan hệ chuyển nhượng vốn góp và thanh lý Biên bản ghi nhớ, lập ngày 15/8/2022. Trong nội bộ Công ty tự giải quyết trách nhiệm những người liên quan đối với hậu quả xảy ra (nếu có).
Thứ ba: về giá trị pháp lý của Biên bản ghi nhớ: giữa Công ty TNHH S và Công ty cổ phần Đ chỉ mới ký Biên bản ghi nhớ để ghi nhận hai bên đã có bàn bạc về việc chuyển nhượng vốn góp. Sau đó, hai bên tiếp tục đàm phán để nếu đạt được sự thống nhất về nội dung các điều khoản của hợp đồng thì sẽ ký hợp đồng. Thế nhưng, qua quá trình đàm phán hai bên không thống nhất được nên không ký được hợp đồng chuyển nhượng vốn góp, có nghĩa không tồn tại hợp đồng quy định quyền và nghĩa vụ các bên liên quan đến việc chuyển nhượng vốn góp. Biên bản ghi nhớ không phải là văn bản quy định quyền và nghĩa vụ của các bên nên việc yêu cầu tiếp tục thực hiện Biên bản ghi nhớ là không có căn cứ.
Mặt khác, qua phần trình bày ở phần thứ nhất đã thể hiện rõ kể từ ngày 22/7/2022, giữa Công ty TNHH S và Công ty cổ phần Đ đã chấm dứt quan hệ chuyển nhượng vốn góp. Thực tế, Công ty TNHH S đã chuyển trả toàn bộ số tiền đặt cọc cho Công ty cổ phần Đ và đã nhận đủ số tiền này. Vì vậy, Công ty S hoàn toàn không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần Đ và đề nghị Toà án bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2023/KDTM-ST ngày 21/9/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên đã quyết định:
Căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm a khoản 1 Điều 37 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Điều 328, Điều 390, Điều 391 của Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án. Tuyên xử:
Không chấp nhận toàn bộ nội dung khởi kiện của nguyên đơn Công ty cổ phần Đ về việc yêu cầu hủy bỏ Biên bản thỏa thuận ngày 15/8/2022 và yêu cầu tiếp tục thực hiện Biên bản ghi nhớ ngày 24/5/2022 với Công ty TNHH S. Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 02/10/2023, nguyên đơn Công ty cổ phần Đ kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Yêu cầu Toà án buộc Công ty TNHH S tiếp tục thực hiện Biên bản ghi nhớ ngày 24/5/2022 và huỷ Biên bản thoả thuận do ông Huỳnh Xuân Q ký ngày 15/8/2022.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
– Người đại diện theo pháp luật của nguyên đơn – ông Nguyễn Văn T giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và nội dung kháng cáo.
– Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn – Luật sư Bùi Mạnh H cho rằng: tháng 7/2022, ông Huỳnh Xuân Q đã chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty cổ phần Đ cho người khác, ông Q không còn cổ phần nên không có quyền định đoạt hoạt động của Công ty. Đồng thời, ngày 08/8/2022, Công ty đã thay đổi người đại diện theo pháp luật. Ông Q không còn vốn góp, không còn tư cách đại diện nhưng lại định đoạt để lại cho Công ty S số tiền 02 tỷ đồng là trái pháp luật, gây thiệt hại cho Công ty Đ. Ông Q dùng con dấu cũ để đóng dấu là không đúng. Đối với số tiền 01 tỷ đồng, ông Q thừa nhận là đã rút chuyển vào tài khoản cá nhân ông Q để sử dụng riêng. Như vậy, giao dịch dân sự do ông Q thực hiện ngày 15/8/2022 là vô hiệu do ông Q không có năng lực pháp luật dân sự theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 117 của Bộ luật Dân sự nên giao dịch này không có hiệu lực. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn.
– Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng, về phần thủ tục tố tụng ở giai đoạn xét xử phúc thẩm đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Về nội dung: sau khi ký Biên bản ghi nhớ, hai bên đã tiến hành gặp nhau, trao đổi, đàm phán phương thức chuyển nhượng, giá chuyển nhượng nhưng không đạt được thỏa thuận là lỗi thuộc về nguyên đơn nên yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn tiếp tục thực hiện Biên bản ghi nhớ là không có cơ sở chấp nhận. Việc hai bên thỏa thuận ký biên bản thanh lý ngày 15/8/2022 là có lợi cho nguyên đơn nên yêu cầu hủy Biên bản thanh lý của nguyên đơn là không có căn cứ. Việc thay đổi người đại diện theo pháp luật ông Q không biết và không được Công ty thông báo. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn Công ty cổ phần Đ; giữ nguyên Bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên toà; Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Ngày 24/5/2022, Công ty TNHH S và Công ty cổ phần Đ ký Biên bản ghi nhớ về việc chuyển nhượng vốn góp. Nội dung chuyển nhượng: Công ty cổ phần Đ nhận chuyển nhượng 100% vốn góp của Công ty TNHH S, giá chuyển nhượng là 88 tỷ đồng. Công ty cổ phần Đ đã chuyển cho Công ty TNHH S số tiền cọc 05 tỷ đồng. Với lý do không thống nhất được nội dung của việc chuyển nhượng vốn góp nên ngày 15/8/2022 giữa ông Huỳnh Xuân Q và Công ty TNHH S ký Biên bản thoả thuận chấm dứt quan hệ chuyển nhượng vốn góp và thanh lý biên bản ghi nhớ. Xét tính hợp pháp của Biên bản thoả thuận ngày 15/8/2022 nêu trên thì thấy: tại Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông số 30/BBH ngày 08/8/2022 của Công ty cổ phần Đ do ông Huỳnh Xuân Q làm chủ toạ, cuộc họp đã thống nhất thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty từ ông Huỳnh Xuân Q (chức danh: Tổng Giám đốc) sang ông Nguyễn Văn T (chức danh: Giám đốc). Cùng ngày, ông Q thay mặt Đại hội đồng cổ đông ký Quyết định số 29/QĐ thay đổi từ ông Huỳnh Xuân Q (chức danh: Tổng Giám đốc) sang đại diện theo pháp luật mới là ông Nguyễn Văn T (chức danh: Giám đốc). Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký (08/8/2022), đồng thời ông Q đã ký Thông báo số 28/TB ngày 08/8/2022 về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật gửi Phòng Đăng ký kinh doanh Thành phố Đ1. Ngày 12/8/2022, Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố H nhận hồ sơ và ngày 15/8/2022 cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Công ty cổ phần Đ. Như vậy, kể từ ngày 08/8/2022 ông Q biết rõ người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Đ là ông T chứ không phải còn là ông Q. Mặc dù án sơ thẩm cũng khẳng định ngày 15/8/2022 ông Q không còn là đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Đ, thời điểm này người đại diện là ông T, nhưng án sơ thẩm lại nhận định rằng: Công ty Đ thay đổi người đại diện theo pháp luật nhưng không thông báo công khai, minh bạch và kịp thời đến các đối tác, nhận định này của án sơ thẩm là không đúng. Bởi vì: việc Công ty cổ phần Đ thay đổi người đại diện theo pháp luật được thực hiện công khai, minh bạch, hồ sơ được tiếp nhận trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và được đăng công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
[2] Hơn nữa, việc ông Q đã ký và đóng dấu vào Biên bản thoả thuận chấm dứt quan hệ chuyển nhượng vốn góp và thanh lý biên bản ghi nhớ ngày 15/8/2022 bằng con dấu hết giá trị sử dụng của Công ty cổ phần Đ địa chỉ trụ sở chính tại quận G, Thành phố Hồ Chí Minh là trái quy định của pháp luật. Xét Toà án cấp sơ thẩm tuyên xử không chấp nhận toàn bộ nội dung khởi kiện của nguyên đơn là không đúng pháp luật. Vì việc ông Q ký Biên bản thoả thuận chấm dứt quan hệ chuyển nhượng vốn góp và thanh lý biên bản ghi nhớ ngày 15/8/2022 thì thời điểm này ông Q không còn tư cách là người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Đ nên Biên bản ngày 15/8/2022 bị vô hiệu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 117 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Do Biên bản này bị vô hiệu nên các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu theo quy định tại Điều 131 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Công ty cổ phần Đ phải hoàn trả lại 03 tỷ đồng mà Công ty TNHH S đã chuyển vào tài khoản của Công ty cổ phần Đ ngày 15/8/2022.
[3] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng nội dung kháng cáo của nguyên đơn Công ty cổ phần Đ yêu cầu Toà án buộc Công ty S tiếp tục thực hiện Biên bản ghi nhớ ngày 24/5/2022 và huỷ Biên bản thoả thuận do ông Huỳnh Xuân Q ký ngày 15/8/2022 là có cơ sở chấp nhận. Do đó, Hội đồng xét xử sửa Bản án sơ thẩm.
[4] Do nội dung kháng cáo được chấp nhận nên Công ty cổ phần Đ không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm và án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 29 của Nghị quyết 326/2016 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Công ty TNHH S phải chịu 3.000.000đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Hoàn trả lại cho Công ty cổ phần Đ 3.000.000đồng tiền tạm ứng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm và 2.000.000đồng tiền tạm ứng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm đã nộp.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật Tố tụng Dân sự, Chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn Công ty cổ phần Đ, sửa toàn bộ Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2023/KDTM-ST ngày 21/9/2023 của Toà án nhân dân tỉnh Phú Yên.
Áp dụng khoản 1 Điều 30, điểm a khoản 1 Điều 37 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; điểm a khoản 1 Điều 117, Điều 122, Điều 131 của Bộ luật Dân sự năm 2015; khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án. Tuyên xử:
1. Chấp nhận toàn bộ nội dung khởi kiện của nguyên đơn Công ty cổ phần Đ.
1.1. Tuyên bố vô hiệu “Biên bản thoả thuận chấm dứt quan hệ chuyển nhượng vốn góp và thanh lý biên bản ghi nhớ” được ký kết giữa Công ty TNHH S với ông Huỳnh Xuân Q vào ngày 15/8/2022.
1.2. Không huỷ bỏ “Biên bản ghi nhớ” được ký kết giữa Công ty TNHH S với Công ty cổ phần Đ vào ngày 24/5/2022.
1.3. Buộc Công ty cổ phần Đ phải hoàn trả lại cho Công ty TNHH S số tiền 3.000.000.000đồng (ba tỷ đồng).
2. Về án phí:
– Công ty TNHH S phải chịu 3.000.000đồng tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.
– Hoàn trả lại cho Công ty cổ phần Đ số tiền 3.000.000đồng tạm ứng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm và số tiền 2.000.000đồng tạm ứng án phí phúc thẩm tại các Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Toà án số 0000091 ngày 20/12/2022, số 0003638 ngày 16/10/2023 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Yên.
Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà người phải thi hành án không trả số tiền trên thì hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành án.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn