KHÁI NIỆM PHÁP LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ VÀ QUAN HỆ PHÁP LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

16:14 | |

Khái niệm pháp luật thi hành án dân sự

Học thuyết Mác – Lênin về Nhà nước và pháp luật lần đầu tiên trong lịch sử đã lý giải một cách đúng đắn, khoa học về bản chất của pháp luật và những mối quan hệ của nó với các hiện tượng xã hội khác nhau trong xã hội có giai cấp, pháp luật chỉ phát sinh, tồn tại và phát triển trong xã hội có giai cấp. Pháp luật:

Là hệ thống các quy tắc xử sự chung (quy phạm pháp luật) do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị, được nhà nước bảo đảm thức hiện, kể cả bằng biện pháp cưỡng chế, để điều chỉnh các quan hệ xã hội, duy trì xã hội trong một trật tự có lợi cho giai cấp thống trị . Pháp luật xã hội chủ nghĩa là hệ thống các quy tắc xử sự chung (qui phạm pháp luật) thể chế hoá đường lối chủ trương của Đảng, thể hiện ý chí của nhân dân, được Nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện trên cơ sở giáo dục, thuyết phục, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa .

Pháp luật thi hành án dân sự là một bộ phận cấu thành của hệ thống pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để làm sáng tỏ khái niệm pháp luật thi hành án dân sự, trước hết cần làm rõ một số khái niệm có liên quan đến khái niệm pháp luật thi hành án dân sự như: khái niệm thi hành, khái niệm tư pháp, khái niệm thi hành án và khái niệm thi hành án dân sự

Theo Đại từ điển tiếng Việt, thi hành là “Thực hiện điều đã chính thức quyết định” . Theo từ điển Luật học thì thi hành án là “giai đoạn kết thúc trình tự tố tụng, là khâu cuối cùng kết thúc một vụ án được xét xử nhằm làm cho phán quyết của toà án nhất định có hiệu lực pháp luật” 

Như vậy, thi hành án có thể được hiểu là thực hiện bản án, quyết định của Tòa án trên thực tế. Bản án, quyết định của Tòa án được hiểu là là văn bản pháp lý của Tòa án nhân
danh Nhà nước tuyên tại phiên tòa, giải quyết về các vấn đề trong vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế, hành chính. Việc thực hiện bản án, quyết định của Tòa án có hiệu quả, một mặt bảo đảm thực hiện quyền tư pháp của Nhà nước, thể hiện sự tôn trọng của xã hội và công dân đối với phán quyết của cơ quan nhân danh Nhà nước là Tòa án, mặt khác nó là biện pháp hữu hiệu để khôi phục các quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân bị xâm hại.

Khái niệm tư pháp hiểu theo nghĩa rộng, là một hệ thống các thiết chế, các tổ chức bảo vệ pháp luật, duy trì, bảo đảm công lý, công bằng xã hội, trong đó hoạt động xét xử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Tòa án giữ vai trò, vị trí quan trọng, là khâu trung tâm. Vì vậy, khi nói tới Tòa án là nói tới biểu tượng điển hình của việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, là nơi biểu hiện rực rỡ nhất bản chất của pháp luật

Khái niệm tư pháp hiểu theo nghĩa hẹp, đó là hoạt động xét xử của Tòa án, thông qua những thủ tục tố tụng nhất định, đối với những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp của các chủ thể trong đời sống xã hội, nhằm bảo vệ pháp luật, duy trì, bảo đảm công lý, công bằng xã hội. Vì vậy, toàn bộ các hoạt động điều tra, truy tố và các hoạt động bổ trợ tư pháp (Giám định, Luật sư, Công chứng, Hộ tịch, Tư vấn pháp luật…) đều nhằm phục vụ cho quá trình làm sáng tỏ chân lý, tìm ra sự thật của các vụ việc đã diễn ra trên thực tế, để trên cơ sở đó, Tòa án đưa ra phán quyết theo qui định của pháp luật. Kết thúc giai đoạn xét xử, Tòa án quyết định những vấn đề thuộc về nội dung vụ án, xác định trách nhiệm pháp lý và chế tài thích hợp cho từng đối tượng cụ thể, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và của công dân. Các bản án và quyết định xét xử của Tòa án không những nhân danh Nhà nước mà còn thể hiện quyền lực tối cao của pháp quyền có hiệu lực thi hành, chính vì vậy, Điều 136 của Hiến pháp 1992 đã nêu rõ: “Các bản án và quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân tôn trọng, những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Tuy nhiên, các bản án và quyết định của Tòa án muốn trở thành hiện thực trong cuộc sống thì phải thông qua hoạt động thi hành án.

Từ sự phân tích ở trên, có thể đưa ra khái niệm thi hành án như sau: thi hành án là hoạt động tư pháp do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền tiến hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật qui định để đưa bản án, quyết định của Tòa án hoặc các quyết định khác theo qui định của pháp luật, được thực hiện trên thực tế, nhằm bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các công dân, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Dưới góc độ lý luận, thi hành án dân sự hiện nay còn có hai quan điểm khác nhau về nghĩa hẹp và nghĩa rộng của khái niệm “dân sự”

Quan điểm thứ nhất cho rằng, khái niệm “dân sự” trong thi hành án dân sự được hiểu là những bản án, quyết định liên quan đến quan hệ tài sản và nhân thân phi tài sản như bản án, quyết định về giải quyết tranh chấp đối với các loại hợp đồng dân sự, hôn nhân và gia đình và một số loại án khác có tính chất dân sự. Quan điểm thứ hai cho rằng, khái niệm “dân sự” ở đây phải được hiểu theo nghĩa rộng, đó không chỉ bao gồm các bản án, quyết định về giải quyết tranh chấp đối với các loại hợp đồng dân sự, hôn nhân và gia đình và một số loại án khác có tính chất dân sự của Tòa án, mà còn bao gồm các bản án, quyết định khác do pháp luật qui định.

Chúng tôi đồng tình với quan điểm này, bởi lẽ, theo quy định của pháp luật hiện hành, nhiều vụ việc có tính chất khác nhau, được giải quyết theo các trình tự khác nhau nhưng đến giai đoạn thi hành án đều được áp dụng theo trình tự, thủ tục thi hành án dân sự như đã nêu.

Vì vậy, phạm vi của thi hành án dân sự phải được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm: bản án, quyết định về dân sự, kinh tế, lao động, hôn nhân và gia đình; quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự về bồi thường thiệt hại; quyết định về tài sản và quyền tài sản trong bản án, quyết định hành chính; bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành ở Việt Nam. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới: việc tổ chức thi hành các bản án có nguồn gốc pháp luật về nội dung là luật tư (luật dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động), được thực hiện theo một thủ tục chung mà không có sự tách bạch căn bản việc thi hành án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, thương mại hay lao động.

Từ sự phân tích ở trên, có thể đưa ra khái niệm thi hành án dân sự như sau: Thi hành án dân sự là hoạt động tư pháp do cơ quan thi hành án, chấp hành viên tiến hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật qui định để đưa bản án, quyết định dân sự của Tòa án hoặc các
quyết định khác theo qui định của pháp luật, được thực hiện trên thực tế, nhằm bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các công dân, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Để điều chỉnh hoạt động thi hành án dân sự, hay nói cách khác các quan hệ phát sinh trong quá trình thi hành án dân sự cần có pháp luật điều chỉnh. Pháp luật thi hành án dân sự được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thầm quyền ban hành có chứa đựng các quy phạm pháp luật thi hành án dân sự từ Hiến pháp 1992, Bộ luật Hình sự 1999, Bộ luật Dân sự 2005, Bộ luật Tố tụng hình sự 2004, Bộ luật Tố tụng dân sự 2004, đến các văn bản pháp luật chuyên ngành về thi hành án dân sự như Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004, Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11/4 của Chính phủ về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự, Thông tư 06/2007/TT-BTP của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn thực hiện một số thủ tục hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự… đều được coi là pháp luật thi hành án dân sự

Quá trình hình thành và phát triển của pháp luật thi hành án dân sự tuy còn những tồn tại nhất định, nhưng pháp luật thi hành án dân sự đã chuyển hoá được vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực của chính quyền, ý chí của nhân dân và đồng thuận của xã hội để tạo ra những chuyển biến tích cực về thi hành án dân sự. Hệ thống văn bản pháp luật về thi hành án dân sự, cùng với pháp luật nói chung đã xây dựng được cơ chế quản lý thống nhất về thi hành án dân sự, hệ thống cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự độc lập với cơ quan xét xử để có điều kiện tập trung cho việc thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự, thủ tục thi hành án dân sự. Cơ quan thi hành án dân sự không chỉ được giao nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Toà án, mà còn thi hành quyết định của cơ quan, tổ chức khác, như Trọng tài kinh tế Nhà nước các cấp, Trọng tài thương mại. Hiện nay, Bộ luật Thi hành án dân sự đang được gấp rút soạn thảo để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành nhằm khắc phục những bất hợp lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong công tác thi hành án dân sự… Bộ luật Thi hành án dân sự xây dựng trên cơ sở quán triệt quan điểm chỉ đạo điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực về thi hành án, tạo cơ chế bảo đảm nhiệm vụ quản lý nhà nước về thi hành án dân sự tập trung vào một đầu mối là Bộ
Tư pháp nhưng không tách rời sự quản lý, chỉ đạo của cấp uỷ đảng và chính quyền địa phương, đồng thời xã hội hoá một phần công tác thi hành án là cơ sở pháp lý để tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác thi hành án nói riêng và ngành Tư pháp nói chung. Như vậy có thể rút ra khái niệm pháp luật thi hành án dân sự như sau: Pháp luật thi hành án dân sự là hệ thống các quy tắc xử sự chung (qui phạm pháp luật) thể chế hoá đường lối chủ trương của Đảng, thể hiện ý chí của nhân dân, do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và bảo đảm thực hiện trên cơ sở giáo dục, thuyết phục, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thi hành án dân sự 

Công ty luật sư

Văn phòng luật sư uy tín

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!