ƯU VÀ NHƯỢC ĐIỂM CỦA HỢP ĐỒNG BOT

09:11 | |

Ưu điểm của hợp đồng BOT

– Đối với các cá nhân, doanh nghiệp với vai trò là nhà đầu tư, khi ký kết hợp đồng BOT sẽ được hưởng rất nhiều sự ưu đãi của Nhà nước. Cụ thể, nhà đầu tư khi ký kết hợp đồng BOT sẽ được hưởng chính sách ưu đãi về thuế, ưu đãi về giá thuê đất… Bên cạnh đó, nhà đầu tư được Nhà nước đảm bảo đầu tư. Theo đó, tài sản của nhà đầu tư sẽ không bị quốc hữu hóa trừ trường hợp khẩn cấp, Nhà nước sẽ trưng dụng tài sản của nhà đầu tư nhưng Nhà nước vẫn bảo đảm thanh toán hoặc bồi thường tài sản và vốn của nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư 2005 hoặc theo các điều kiện khác thỏa thuận tại hợp đồng dự án. Chính những ưu đãi này trở thành những nhân tố khích lệ, thúc đẩy nhà đầu tư tham gia ký kết thực hiện hợp đồng BOT.

– Hợp đồng BOT thường là những hợp đồng xây dựng cầu cống, sân bay, đường hầm, các công trình về điện… Những công trình này cần số vốn rất lớn. Chính vì vậy, rủi ro của những dự án này cũng rất lớn. Hình thức hợp đồng BOT ra đời đã giúp Nhà nước không những giảm chi cho Ngân sách Nhà nước mà còn giúp hai bên thực hiện hợp đồng là Nhà nước và nhà đầu tư, giảm thiểu được rủi ro tài chính, tận dụng được nguồn tài chính từ khu vực tư nhân cho việc thực hiện dự án.

– Ưu điểm nữa của hợp đồng BOT được thể hiện qua quá trình lựa chọn nhà đầu tư rất khắt khe. Theo đó, cơ quan Nhà nước phải lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, phát hành hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ mời thầu, sau đó trình, thẩm định, phê duyệt và thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Thông qua hồ sơ tham gia dự thầu, nhà đầu tư phải nêu rõ phương án kỹ thuật, phương án tài chính áp dụng, thực hiện dự án BOT. Quy trình đàm phán ký kết hợp đồng BOT giữa Nhà nước và nhà đầu tư cũng trải qua quy trình rất khắt khe, nhà đầu tư phải chứng minh khả năng tài chính của mình để thực hiện dự án. Chính vì vậy, khả năng thành công của dự án BOT, khả năng áp dụng vào thực tiễn luôn cao hơn so với các dự án thực hiện theo các hình thức hợp đồng khác

– Hợp đồng BOT ra đời còn có tác dụng giảm bớt vai trò độc quyền của Nhà nước trong một số lĩnh vực không cần thiết giữ độc quyền, đồng thời huy động tính hiệu quả của các thành phần kinh tế khác. Khai thác mọi tiềm năng kinh tế phục vụ xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là thành phần kinh tế tư nhân, thúc đẩy nền kinh tế phát triển toàn diện. Riêng đối với các nước đang phát triển thì giải quyết được những eo hẹp về nguồn vốn, kinh nghiệm và nguồn lực dồi dào

– Pháp luật về hợp đồng BOT đã trải qua gần 20 năm hình thành và phát triển. Nhà nước đã ban hành nhiều Nghị định điều chỉnh hợp đồng BOT như Nghị định 87/CP năm 1993, Nghị định 77/1997/NĐ-CP, Nghị định 62/1998/NĐ-CP, Nghị định 02/1999/NĐ-CP, Nghị định 78/2007/NĐ-CP, Nghị định 108/2009/NĐ-CP. Các quy định về pháp luật hợp đồng BOT ngày càng phát triển và cụ thể hơn. Có thể nói, hợp đồng BOT là một trong số ít các hợp đồng mà Nhà nước mất rất nhiều công sức để nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện hóa. Sự phát triển của hợp đồng BOT đã cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng nói chung, hoàn thiện quy định pháp luật về hợp đồng BOT nói riêng. Chính vì vậy, khi tham gia vào hợp đồng BOT, các nhà đầu tư sẽ cảm thấy an tâm hơn so với các hợp đồng khác vì các quy định về hợp đồng BOT đã khá cụ thể và chi tiết.

Nhược điểm của hợp đồng BOT

– Việc chuẩn bị hồ sơ dự thầu, quy trình chọn nhà thầu đối với dự án BOT rất khắt khe cả về quy trình kỹ thuật lẫn khả năng tài chính của nhà đầu tư tham gia dự thầu. Chính vì vậy, điều này ít nhiều trở thành trở ngại đối với nhà đầu tư.

– Nhược điểm thứ hai của hợp đồng BOT thể hiện ở chỗ hợp đồng BOT có nguồn vốn rất lớn, trong khi việc xác định giá kinh doanh phải được dự trù ngay khi nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu. Trong khi, tỉ lệ lạm phát, giá cả thị trường tại nước ta leo thang với tốc độ chóng mặt. Việc xác định trước phương án kinh doanh đối với nhà đầu tư đôi khi cũng trở thành rủi ro tài chính đối các nhà đầu tư trong các dự án BOT, đôi khi nó trở thành trở ngại cho nhà đầu tư khi tham gia đàm phán ký kết hợp đồng.

– Các công trình, cơ sở hạ tầng vốn dựa chủ yếu vào ngân sách Nhà nước nay thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT sẽ giảm bớt chi tiêu của ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, việc giảm bớt chi của ngân sách Nhà nước lại đi kèm với việc giảm trách nhiệm của Nhà nước đối với việc thực hiện dự án, chất lượng công trình. Trong khi các dự án khác thực hiện toàn bộ trên nguồn vốn của Nhà nước thì sẽ có sự tham gia một cách sát sao từ phía Nhà nước. Điều này dẫn đến việc kiểm soát của Nhà nước đối với các dự án BOT phần nào bị hờ hững, thờ ơ.

– Hợp đồng BOT rất phức tạp cả trên khía cạnh tài chính lẫn luật pháp. Vì vậy, để thành công đối với dự án BOT đòi hỏi phải có sự ổn định, thống nhất của các quy định pháp luật về hợp đồng BOT. Thực tiễn cho thấy còn nhiều quy định chồng chéo giữa các văn bản pháp luật quy định về hợp đồng BOT, gây trở ngại, khó khăn cho nhà đầu tư

– Nhược điểm thứ năm đối với hợp đồng BOT nằm ở chỗ chi phí để nhà đầu tư bỏ ra để nghiên cứu dự án, hoàn thành hồ sơ tham gia dự thầu khá lớn. Chính vì vậy, khi nhà đầu tư không được lựa chọn làm đối tác đàm phán ký kết trong hợp đồng BOT thì họ phải mất hết số chi phí này, dẫn đến rủi ro tài chính cho nhà đầu tư.

Xem thêm :

Công ty luật

Văn phòng luật sư

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!